Xuân Linh ·
2 năm trước
 2451

TP.HCM sẽ chi 1.200 tỉ đồng từ ngân sách và vốn xã hội hóa để cải tạo mạng lưới trung chuyển rác?

Nhằm hiện đại hoá các trạm trung chuyển rác, TP.HCM có kế hoạch dùng 1.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và vốn xã hội hóa để sắp xếp lại mạng lưới điểm tập kết, điểm thu gom rác và xây dựng mới các trạm trung chuyển. Tương lai TP. HCM cũng sẽ ngầm hoá các điểm trung chuyển.

Những điểm tập kết rác “lộ thiên”

TP.HCM có 27 trạm trung chuyển rác chính thức và hơn 30 trạm trung chuyển rác tạm đang hoạt động. Tuy nhiên với khối lượng rác tăng liên tục qua từng năm, các trạm trung chuyển này đang quá tải và xuống cấp. Tình trạng ở hàng trăm điểm hẹn, điểm tập kết rác dọc các tuyến đường cũng "nhức nhối" không kém.

Hiện nay quy trình thu gom rác tại TP.HCM diễn ra như sau: rác từ nhà dân được đem đến các điểm hẹn, điểm tập kết rác dọc các tuyến đường và các trạm trung chuyển.

Từ đây, rác được lên xe ép và chở về các điểm xử lý rác tập trung. Trong khi chờ đợi rác được đưa đi, các điểm hẹn, điểm tập kết, trạm trung chuyển rác đã gây không ít phiền toái.

Ghi nhận tại điểm hẹn rác trên đường Hoàng Sa, cứ vào chiều tối xe rác dân lập lại đổ về đậu dọc đường đợi giao rác. Nhiều xe thu gom cũ làm nước rỉ chảy xuống thành những đường vằn vện dưới đường, mùi hôi ngày qua ngày.

Tương tự tại điểm hẹn rác ở khu vực cầu Rạch Lăng (quận Bình Thạnh) khiến cư dân chung cư 1050 cạnh đó khổ sở. Xe rác đậu kín tuyến đường quanh chung cư kèm mùi hôi rất khó chịu. Nhiều người nghĩ đây là bãi rác nên mang bồn sứ, tủ gỗ, nệm... tới vứt thành đống.

Trạm trung chuyển trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) đã có một thời gian rác bị tràn từ trong trạm ra ngoài đường. Những ngày mưa rác bị ẩm ướt khiến cả khu vực xung quanh có mùi rất khó chịu.

trạm ép rác kín

Xây dựng trạm rác mới công nghệ kín

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, TP đã quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển rác. Theo đó, có 40 trạm trung chuyển mới sẽ được xây dựng tại 19 quận, huyện.

Các trạm này sẽ được đầu tư công nghệ ép rác kín, có hệ thống xử lý môi trường, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, các chất thải nguy hại và các hệ thống hiện đại khác như cân, camera, phần mềm theo dõi khối lượng chất thải tiếp nhận, chất lượng môi trường của trạm...

Hiện tại sở này đã có hướng dẫn UBND một số quận huyện đầu tư 9 trạm trung chuyển rác thải. Trong đó có 3 trạm đang triển khai xây dựng tại quận 12 và TP Thủ Đức, 6 trạm đang xin chủ trương đầu tư phân đều ở các quận Bình Tân, TP Thủ Đức (địa bàn quận 9 cũ), huyện Củ Chi, Nhà Bè.

Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025 cũng sắp hoàn thành. Trong đó có định hướng quy hoạch trạm trung chuyển chất thải rắn công suất lớn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất để xóa bỏ các trạm rác nằm trong khu dân cư, trên đường phố.

Theo đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, TP sẽ hoàn thành 13 trạm trung chuyển hiện đại. Các trạm này nằm tại các khu vực sau: Đào Trí (quận 7), Tống Văn Trân (quận 11), Quang Trung (quận Gò Vấp), Lê Minh Xuân, Bình Chánh (huyện Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Long Trường, Linh Xuân và khu đất tại vòng xoay An Phú (TP Thủ Đức), phường 7 (quận 8), quận Bình Tân, xã Long Thới và Nhuận Đức (huyện Nhà Bè).

Các trạm chất thải được quy hoạch trên các tuyến đường vành đai của TP, thuận lợi giao thông, xa khu dân cư. Đồng thời, TP sẽ nghiên cứu theo hướng ưu tiên ngầm hóa các trạm này để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Giai đoạn sau đó, TP sẽ đầu tư thêm 2 trạm trung chuyển cấp thành phố tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Hai trạm này định hướng phục vụ công tác trung chuyển, vận chuyển rác về Khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) để xử lý.

Việc các điểm hẹn rác nằm dọc các tuyến đường TP gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân xung quanh, không những vậy còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị trong mắt khách du lịch. Việc cải tạo lại mạng lưới trạm trung chuyển rác này sẽ đưa TP.HCM trở nên sạch đẹp hơn và có cái nhìn thiện cảm hơn đối với người dân lẫn khách du lịch.

Bạn nghĩ con số 1.200 tỷ này xứng đáng chứ?

Thông tin từ Báo Tuổi trẻ