Bích Ngọc ·
10 tuần trước
 10139

Khách vay gặp khó sẽ được giãn nợ ngân hàng hết năm 2024?

Các nhà băng được Ngân hàng Nhà nước cho phép kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng (tới hết năm nay).

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Cụ thể, Thông tư 06 kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đến hết 31/12.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 2 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm nay.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Chính vì thế, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12.

Do đó, đến ngày 31/12, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành.

Trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết cuối năm nay sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

Việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Thông tư 02 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm ngoái, cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn đến 30/6/2024. Thời gian qua, qua nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất kéo dài chính sách này, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, lũy kế đến ngày 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, trong đó tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu phân tích Công ty VCBS cho hay, cơ cấu lại các nguồn đầu vào để giảm thiểu tối đa chi phí, hoặc cải thiện hơn, từ đó duy trì được lãi suất đầu ra ở mức thấp. Khi các nhà băng tăng trưởng thì tạo ra mức lợi nhuận tốt, từ đó cải thiện được tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Đến hết quý 1 năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng là 2,18%, dưới ngưỡng 3% cho phép. Việc thúc đẩy tín dụng trong 6 tháng cuối năm nay được kỳ vọng sẽ giúp đạt mục tiêu kép là giúp doanh nghiệp phục hồi và đồng thời giảm áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng khi gia hạn Thông tư 02.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7996867533706266