Ngọc Lan ·
2 tuần trước
 9710

Khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển cao kỷ lục

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ CO2 trong năm 2023 trung bình ở mức 419,3 phần triệu, tăng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nồng độ của 3 loại khí nhà kính chủ yếu do hoạt động của con người tạo ra - gồm khí CO2, Metan, và N2O tích tụ ở mức cao nhất trong lịch sử vào năm 2023.

Theo NOAA, nồng độ CO2 trong năm 2023 trung bình ở mức 419,3 phần triệu, tăng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp và là mức tăng cao thứ ba trong vòng 65 năm được ghi nhận.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về nồng độ methan trong bầu khí quyển tăng nhanh, mức trung bình trong năm 2023 là 1922,6 phần tỷ, tăng 160% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Loại khí nhà kính này có thời gian tồn tại ngắn hơn nhưng có khả năng lưu giữ nhiệt hơn. Tính trong vòng một thập kỷ qua, nồng độ cả CO2 và methane đều tăng 5,5%

Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Cũng theo NOAA, năm ngoái, nồng độ N2O tăng 1 phần tỷ lên các mức cao mới. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) nhấn mạnh tất cả các hoạt động nông nghiệp, đốt nhiên liệu, phân bón và hoạt động công nghiệp đều góp phần tạo ra N2O và loại khí này có thể tồn tại trong khí quyển tới 100 năm.

Nhà khoa học khí hậu Rob Jackson tại Đại học Stanford, người giám sát Dự án Carbon toàn cầu, nhấn mạnh sự gia tăng khí methane rất đáng lo ngại. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến các hệ sinh thái tự nhiên, như vùng đất ngập nước và vùng đất đóng băng vĩnh cửu, nóng lên. Những hệ sinh thái đó thậm chí còn phát thải nhiều khí nhà kính hơn nữa khi chúng nóng lên.

Lượng khí nhà kính ngày càng tăng khiến nhiệt độ toàn cầu cũng không ngừng tăng lên. Năm ngoái là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới cùng với những hậu quả kèm theo như lũ lụt, hạn hán, các đợt nắng nóng cực đoan và cháy rừng. Lượng khí nhà kính tăng cũng đẩy thế giới vào tình trạng chưa từng thấy kể từ trước nền văn minh nhân loại. Nồng độ CO2 hiện nay tương đương với mức cách đây khoảng 4 triệu năm, thời kỳ mà mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 22,8m. Nhiệt độ trung bình nóng hơn đáng kể và những khu rừng khổng lồ đã chiếm giữ nhiều phần của Bắc Cực.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng các quốc gia phải nhanh chóng giảm phát thải ròng xuống mức 0 và sau đó bắt đầu loại bỏ carbon khỏi khí quyển để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trong tương lai.

Lượng khí nhà kính tăng khiến nhiệt độ toàn cầu cũng không ngừng tăng lên, kéo theo những hậu quả của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, các đợt nắng nóng cực đoan và cháy rừng.