Nhiều cây thông cổ thụ đã lần lượt bị cưa hạ, thông ngã xuống, nằm ngổn ngang, có những gốc cây bị cưa hạ từ lâu, có gốc bùn cưa còn “tươi rói”, hoạt động cưa thông diễn ra khác thời điểm. Người cưa cây tái diễn nhiều lần, vị trí cách khu dân cư không xa. Thế nhưng, ngay giữa phố mà không ai biết, không ai nghe, không ai thấy... là điều khó tin!
Vẫn nhớ, thời còn là Thủ tướng Chính phủ, nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhấn mạnh: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra phá rừng. Đó cũng là những ý kiến chỉ đạo sát sao xuyên suốt tại các buổi họp về quản lý và bảo vệ rừng với các bộ ngành liên quan.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua....
Nhiều cây thông cổ thụ đã lần lượt bị cưa hạ ngay giữa phố, có những gốc cây bị cưa hạ từ lâu, có gốc bùn cưa còn “tươi rói”
Từ những chỉ đạo sát sao đó, thực tế nạn phá rừng ở nước ta ngày càng ít đi, tuy nhiên vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Những vụ phá rừng, chặt hạ thông,... tồn tại ngay từ những dự án nhận đất rừng nhưng để mất rừng. Điển hình như: Công ty TNHH Khánh Vân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án “Nuôi cá nước lạnh kết hợp quản lý bảo vệ rừng” tại xã Đa Nhim với quy mô 175 ha, trong đó có 145 ha rừng thông 3 lá tự nhiên, 5 ha đất được khai phá để nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm... Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện dự án trên, Công ty này đã không thực hiện dự án theo tiến độ, sang nhượng lại dự án trên cho đơn vị khác, đặc biệt để mất hơn 12 ha rừng thông tự nhiên đầu nguồn tại 11 lô, tổng khối lượng thiệt hại trên 3.550 m3 gỗ, giá trị thiệt hại lên tới gần 11 tỉ đồng...
Ngoài doanh nghiệp trên để tồn tại các sai phạm, thì tại báo cáo số: 508/BC-SNN Lâm Đồng ngày 31/12/2020, báo cáo kết quả thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) PTNT tại văn bản số 8822/BNN-TCLN ngày 16/12/2020 về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Sở NN và PTNT Lâm Đồng cho biết, Tổng số chủ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: Chủ rừng nhà nước: 27 đơn vị, tổng diện tích quản lý 525.266 ha. Gồm: 8 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 13 Ban quản lý rừng, 2 Vườn quốc gia, 02 Hạt kiểm lâm cấp huyện (đang bàn giao sang Ban chỉ huy quân sự huyện/thành phố), 1 Ban quản lý khu du lịch và 1 Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thông cổ thụ bị cưa hạ nằm ngỗn ngàng giữa phố
Đáng nói, mới đây nhất, dư luận một lần nữa không khỏi bức xúc trước việc nhiều cây thông cổ thụ trăm tuổi, bị cưa hạ không thương tiếc, đáng nói vị trí này nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, phường 10, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Trước đó, sáng 22/4/2021, Hạt kiểm lâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cưa hạ hàng loạt cây thông cổ thụ gần trăm năm tuổi trên đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt. Hiện, các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, truy tìm người cưa hạ thông...
Về vụ việc, ghi nhận nơi hiện trường hàng loạt cây thông bị chặt hạ có ít nhất 5 cây thông cổ thụ đã bị cưa hạ có đường kính gốc lớn nhất khoảng 80cm, nhỏ nhất trên 40cm, chiều cao hàng chục mét... còn nằm ngổn ngang. Quan sát tại hiện trường thì một số cây thông này bị cưa hạ trong thời gian không lâu, số còn lại cách đây nhiều tháng... Cũng tại đây, phát hiện một số gốc thông cổ thụ trăm tuổi có dấu hiệu bị đốt phần gốc, cháy đen chiếm hơn 1 nữa gốc cây. Đồng thời, vị trí này chỉ vỏn vẻn còn ít cây thông còn nguyên vẹn.
Điểm gây chú ý về vụ việc là vị trí thông bị cưa hạ này nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt, cách khu vực dân cư không xa. Từ khu vực cây thông bị triệt hạ có thể nhìn thấy hàng loạt ngôi nhà được xây dựng kiên cố, người dân tập trung sinh sống gần đó. Thế nhưng, thời điểm các đối tượng ngang nhiên thực hiện việc cưa hạ trái phép cây thông cổ thụ lại không ai phát hiện. Dư luận bức xúc, đặt câu hỏi: Nhiều cây thông cổ thụ đã lần lượt bị cưa hạ ngay giữa phố, có những gốc cây bị cưa hạ từ lâu, có gốc bùn cưa còn “tươi rói”, hoạt động cưa thông diễn ra thời điểm khác nhau, người cưa cây đã tái diễn nhiều lần. Thế nhưng, ngay giữa phố mà không ai biết, không ai nghe, không ai thấy... Cơ quan quản lý ở đâu?. Đúng là khó tin!
Trước vụ việc này, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần nhanh chóng xác minh, làm rõ và công bố thông tin xử lý những cá nhân vi phạm đủ răn đe!.