Thu Trang ·
3 năm trước
 1262

Khoa học công nghệ hỗ trợ tích cực ứng phó biến đổi khí hậu

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ “Khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn và phục vụ quản lý Nhà nước về khí tượng, thủy văn và BĐKH giai đoạn 2016 - 2020”, mã số TNMT.05/16-20.

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ “Khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn và phục vụ quản lý Nhà nước về khí tượng, thủy văn và BĐKH giai đoạn 2016 - 2020”, mã số TNMT.05/16-20.

Để định hướng cho hoạt động khí tượng thủy văn và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong giai đoạn 2016 - 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) đã nắm bắt tình hình, đi tắt đón đầu thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tập trung vào nội dung: Nghiên cứu, xây dựng Luật BĐKH cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý Nhà nước về BĐKH. Tiếp tục tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng dự báo phòng, chống thiên tai.

tm-img-alt
Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn. (Ảnh minh họa)

Song song với chương trình cấp Bộ do Bộ TN&MT quản lý, Các chương trình và đề tài độc lập cấp quốc gia đã giải quyết được một số vấn đề như: Sử dụng các mô hình động lực để dự báo khí hậu cho Việt Nam; Xây dựng Hệ thống dự báo mưa lớn cho Khu vực Bắc; Xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo định lượng mưa khu vực Nam Bộ và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho TP.HCM và Các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của lũ đến khu vực và dự báo theo cấp độ rủi ro của các thiên tai đến điều kiện kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt triển khai 35 nhiệm vụ và 2 Dự án sản xuất thử nghiệm. Các nhiệm vụ liên quan đến khí tượng thủy văn tập trung vào mục tiêu cụ thể để phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm như bão, lũ lụt miền Trung, khô hạn, sạt - trượt lở đất, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng các giải pháp, công trình phòng, chống thiên tai.

Đối với Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia BĐKH/16-20, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã phê duyệt và tổ chức triển khai 42 nhiệm vụ. Trong đó, số lượng các nhiệm vụ sử dụng thông tin khí tượng khí hậu, biểu hiện của BĐKH làm “đầu vào” cho các công trình nghiên cứu khoa học khác phục vụ hoạt động ứng phó BĐKH chiếm số lượng tương đối lớn.

Bên cạnh đó, Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ TNMT.05/16-20 đã đạt được những chỉ tiêu nhất định như về trình độ khoa học, ứng dụng vào thực tiễn, sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực cấp cao, có trí tuệ và hiểu biết sâu sắc về BĐKH của Việt Nam và thế giới…

Theo đánh giá từ Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ TN&MT, mặc dù hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ các nhiệm vụ ứng phó BĐKH đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, song trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục và rút kinh nghiệm, đặc biệt là việc sử dụng kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn và xây dựng các văn bản pháp lý liên quan để đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Theo đó, ngoài việc tập trung thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ phục vụ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo (KTTV-HV), các đề tài liên quan đến kiểm kê khí nhà kính và BĐKH cũng cần được chú trọng hơn. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Vụ KH&CN sẽ điều chỉnh nội dung đề tài để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Bên cạnh đó, Vụ cũng sẽ chú trọng trong việc triển khai những chương trình khoa học công nghệ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai, vấn đề đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của đất nước.