Nguyễn Dũng ·
3 năm trước
 1681

Khoảng 6 triệu ha rừng ở Việt Nam được hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chiều 22/4, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổng kết dự án "Rừng và đồng bằng Việt Nam".

Đây là dự án do USAID tài trợ với kinh phí 31,4 triệu USD; Tổ chức Winrock International thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2021.

Sau hơn 8 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thành công chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở quy mô quốc gia. Hiện cơ chế này đang đem lại khoảng 120 triệu USD hàng năm để chi trả cho công tác quản lý 6 triệu ha rừng của Việt Nam.

Chính sách này đã giúp hàng trăm nghìn người dân miền núi được chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp nâng cao thu nhập và mức sống. Ngoài ra, dự án còn tập huấn cho khoảng 350.000 người về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rừng và phát triển sinh kế; giúp hơn 200.000 người thực hành giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu tại ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng.

Theo ông Bradley Besire, quyền Giám đốc USAID Việt Nam, dự án "Rừng và đồng bằng Việt Nam" là chương trình hợp tác về biến đổi khí hậu đầu tiên giữa USAID và Chính phủ Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường quản lý tài nguyên rừng và nâng cao năng lực chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL.

Dự án được triển khai ở cấp quốc gia tại Quảng Ninh, Nam Định, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng và Long An. Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng và được Chính phủ, cộng đồng địa phương và các bên liên quan ghi nhận. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, hiện nay, dịch vụ môi trường rừng trở thành hoạt động lâm nghiệp, giúp cải thiện sinh kế và tạo môi trường ổn định, lấy thu nhập từ rừng để nuôi rừng, bảo vệ rừng, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo vệ rừng tại địa phương.

Nhân dịp này, USAID cũng công bố dự án mới hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường bảo tồn rừng, đa dạng sinh học. Đó là Dự án Quản lý rừng bền vững (2020 - 2025) có mục tiêu tránh phát thải carbon từ việc chuyển đổi  rừng tự nhiên và khả năng hấp thụ các-bon thông qua cải thiện quản lý rừng trồng. Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học (2020 - 2025) hướng tới duy trì và tăng chất lượng rừng, bảo vệ và ổn định các quần thể động vật hoang dã trong vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên thiên. Hai dự án này sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nguồn