Bích Ngọc ·
49 tuần trước
 9047

Khống chế vốn vay 30%: Tổng cục Thuế nói gì?

Tổng cục Thuế đang họp bàn tìm giải pháp phù hợp sau những phản ánh của doanh nghiệp về việc khống chế tối đa 30% chi phí lãi vay với giao dịch liên kết.

Từ ngày 8-10/12, Tổng cục Thuế phối hợp với 6 cục thuế địa phương tổ chức hội nghị rà soát dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ.

Theo đó, đại diện các cục thuế tham gia gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định, Vĩnh Phúc. 

Tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, sau 2 tháng lấy ý kiến bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đang tổng hợp ý kiến cơ quan, đơn vị. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 hướng đến tiệm cận với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu đơn vị chủ trì phối hợp chặt chẽ với chuyên gia đến từ đơn vị chức năng trực thuộc, cục thuế địa phương rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện chi tiết điều khoản, sớm trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nghị định số 132 quy định, chi phí lãi vay theo mức cao nhất 30% phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên thực tế triển khai Nghị định số 132, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có kiến nghị bỏ quy định này.

Lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát, thực tế tại nước ta, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến.

Trước đó, doanh nghiệp đã phản ánh, sau 3 năm thực thi, Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Được biết, quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a, khoản 3, Điều 16) là một trong những nút thắt đang làm cho nhiều doanh nghiệp “kêu trời”.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trong giai đoạn 2020 - 2023, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh do liên tiếp chịu tác động của Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới. Ông cũng cho hay, giai đoạn này nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận bằng 0, thậm chí là âm. Trong bối cảnh đó, chi phí lãi vay cao càng khiến doanh nghiệp thêm kiệt quệ.

Doanh nghiệp đánh giá, 30% là mức khống chế ở các nước phát triển và việc áp dụng “thước đo” không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam (một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay) đang gây nhiều hệ lụy. Nhu cầu vốn càng lớn hơn khi doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong 2 - 3 năm vừa qua do tác động của COVID-19

Theo bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Thuế, đã tổng hợp vướng mắc và đề xuất sửa quy định về giao dịch liên kết. 

Bà Phượng cho biết, việc khống chế chi phí lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay. Qua đó phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của OECD về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10-30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng yêu cầu tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7169389456454082/?