Minh Anh ·
1 năm trước
 7919

Khu BTTN Tiền Hải bị giảm diện tích: Bộ TN&MT đề nghị làm rõ thông tin

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải giảm diện tích.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản số 6941/BTNMT – BTĐD, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải. Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25/8/2023.

Văn bản nêu rõ, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha; sau đó được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn. Đồng thời, KBTTN Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Theo thông tin phản ánh báo chí, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500 hạ xuống còn 1.320 ha theo Quyết định số 731/QĐ- UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích KBTTN Tiền Hải.

Một góc vùng lõi Khu BTTN rừng ngập mặn Tiền Hải.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam  đề nghị xem xét hoạt động “lấn biển”, mở rộng không gian phát triển mà lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề cập đến trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lý giải cho vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay có hai Khu bảo tồn thiên nhiên Thái Thụy và Tiền Hải. Cả hai khu bảo tồn này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là một khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.

Trong khi đó, những năm gần đây Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong các vấn đề bảo vệ môi trường, tham gia thực hiện các công ước quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã và đang nỗ lực từng ngày để thực hiện nghiêm túc đầy đủ các cam kết quốc tế chúng ta đã và đang tham gia.

Với tư cách một nhà khoa học, tôi đề nghị tỉnh Thái Bình cần xem xét kỹ lưỡng hoạt động "lấn biển" nhằm mở rộng không gian phát triển, tránh vi phạm các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tể ở đây là UNESCO.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4/2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký ban hành Quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có tên gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt khu bảo tồn).

Theo Quyết định 731, Khu BTTN Tiền Hải sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của H.Tiền Hải. Phía Bắc, phía Nam và phía Đông giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. Phía Tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng hải sản công nghệ cao. Khu bảo tồn có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha. Ranh giới của khu bảo tồn được xác định bằng 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38.

Như vậy, với Quyết định 731, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp, đến mức gần như sẽ xóa sổ khu bảo tồn khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, đồng thời thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn.

Việt Nam đã tham gia Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền (gọi tắt là mục tiêu 30×30), các vùng nước nội địa, vùng ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái, được bảo tồn, quản lý hiệu quả, có tính đại diện về mặt sinh thái, kết nối tốt và công bằng.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm: Bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; Bảo vệ và phục hồi các loài hoang dã; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến ĐDSH; Lượng giá, sử dụng bền vững ĐDSH; Bảo tồn nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Liên quan đến quy hoạch thu hẹp diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, theo đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan.

WWF lưu ý, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn, sẽ là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển.