Lan Anh ·
3 năm trước
 2416

Kịch bản nào cho phòng chống thiên tai 2021?

Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với công tác cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai phải chi tiết, cụ thể và chủ động chuẩn bị sẵn sàng và triển khai đồng bộ. Theo đó, thành phố Hà Nội đã đưa ra 10 kịch bản thiên tai (8 kịch bản mưa, bão, vỡ đê và kịch bản thảm họa; động đất) trong năm 2021.

Theo đó, mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp bão mạnh, siêu bão đi qua thành phố gây ngập úng ngoại thành là tình huống thường gặp trong công tác phòng, chống thiên tai hàng năm. Nhiều khu vực bị ngập sâu từ 1 m đến trên 3 m dẫn đến nhiều địa bàn bị cô lập, chia cắt khi có bão lớn, mưa cường độ lớn dồn dập, trong khi đó nước sông, hồ đều ở mức cao hạn chế khả năng thoát nước, làm nhiều địa bàn bị ngập úng dài ngày.

Các quận huyện bị ảnh hưởng bao gồm: Sơn Tây, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Phú Xuyên, Gia Lâm, Mê Linh. Dự kiến 188.000 hộ dân (với 750.000 nhân khẩu) sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã nhiều lần bị ảnh hưởng của dư chấn động đất. Gần nhất là đêm ngày 24/3/2011, dư chấn của trận động đất 7 độ richter tại Myanmar đã gây rung chấn cấp 5 tại thành phố Hà Nội và cấp 6 tại một số tỉnh phía Tây Bắc. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, thành phố Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh từ 6,1 đến 6,5 độ richter, với tâm chấn sâu 15-20 km, liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo Sông Hồng, Sông Chảy.

Trong đó, tại quận Hoàng Mai (các phường Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), phía Bắc huyện Thanh Trì (các xã Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra động đất lên đến cấp 8-9. Đáng chú ý, khi xảy ra động đất mạnh, mức thiệt hại nhà cửa ở quận Hoàn Kiếm là cao nhất, có xác suất 40%.

o đó, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, UBND thành phố đã đưa ra các giải pháp cụ thể ứng phó với từng tình huống xảy ra.

Đối với các tình huống mưa, bão, vỡ đê, UBND thành phố yêu cầu người dân chủ động dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, mắm muối, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian khoảng 1 tháng. Riêng UBND các quận, huyện, thị xã phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ". Chuẩn bị dự trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian 7 ngày.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân; Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, chủ động sẵn sång ứng phó với các tình huống thiên tai….

kịch bản phòng chống thiên tai

Thêm vào đó, khi xảy ra các thảm họa, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - thường trực công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nơi xảy ra thảm họa triển khai công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống; thực hiện chế độ cho người bị thiệt hại; thực hiện thăm hỏi động viên nạn nhân và các lực lượng tham gia hoạt động cứu trợ.

Đặc biệt, UBND thành phố xác định, khác với các loại thiên tai khác, động đất là thảm họa khủng khiếp nhất, thời gian chỉ vài giây, khu vực bị ảnh hưởng do động đất có thế bị sụp đổ hoàn toàn, khu vực dư chấn có thể sụt lún nghiêm trọng, đến nay khoa học vẫn chưa dự báo chính xác địa điểm và cường độ động đất sẽ xảy ra. Nếu xảy ra thảm họa động đất, việc quan trọng nhất là tìm kiếm cứu nạn, bố trí nơi sơ tán tạm thời, đồng thời bảo đảm đời sống tối thiểu cho nhân dân.

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam