Thành Phong ·
1 năm trước
 5775

Kịch bản phát triển Hydro xanh cho Việt Nam

Hydro xanh được đánh giá là nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế.

Tại Việt Nam, hydrogen hiện được sử dụng trong vai trò nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. 

Năm 2020, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Dầu khí, các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm.

Hydro hướng đi mới cho năng lượng sạch. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã công bố chiến lược phát triển hydrogen xanh với mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn như một giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát thải, hạn chế tác động tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam vẫn có đủ nguồn khí tự nhiên để sản xuất hydrogen xám và lam nhưng trong dài hạn thì sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn cung. Theo tiến trình khai thác, sản lượng khí từ các mỏ trên giảm dần và dự kiến sẽ suy kiệt sau năm 2035, dù có thể bổ sung nguồn hydrogen lam khi các dự án LNG đi vào hoạt động. Việt Nam đang  hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu Netzero vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng.

Theo một nghiên cứu vừa được công bố mới đây do UNDP và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) thực hiện đã chỉ ra 3 kịch bản phát triển Hydro xanh tại Việt Nam dựa trên nguồn cung năng lượng tái tạo (NLTT) cho điện phân. 

Cụ thể, Kịch bản 1 sử dụng nguồn NLTT không tập trung từ điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và hệ thống lưu trữ pin; Kịch bản 2 sử dụng nguồn điện NLTT tập trung từ lưới điện của công ty điện lực;Kịch bản 3 có sự kết hợp sử dụng cả nguồn mua từ điện lưới NLTT, điện gió xa bờ và điện mặt trời.

Theo các chuyên gia, trong cả 3 kịch bản, nếu các máy điện phân chạy 90% công suất liên tục năm thì có thể sản xuất được ít nhất 18,78 triệu tấn Hydro vào năm 2050. Vấn đề hiện nay là giá thành sản xuất Hydro xanh vẫn khá cao so với các loại hình NLTT khác. 

Dù vậy, cả 3 kịch bản đều dự báo chi phí sản xuất điện quy dẫn (LOCE) dự kiến sẽ giảm. Cao nhất là 11,81 Đôla Mỹ/kilogram ở mức 65% công suất và thấp nhất là 2,42 Đôla Mỹ/kilogram ở mức 90% công suất vào năm 2050. Việc sử dụng Hydro xanh có thể giúp Việt Nam giảm khoảng 324,4 triệu tấn CO2 vào năm 2050, đóng góp quan trọng cho mục tiêu Net Zero trong toàn lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, do giới hạn về khả năng sản xuất nên nếu chỉ sử dụng Hydro xanh là không đủ, mà cần sử dụng kết hợp nhiều giải pháp khác trong các ngành kinh tế và năng lượng.

Để phát triển năng lượng Hydro tại Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính phủ trong việc đặt các mục tiêu, xây dựng chiến lược, quy định và cung cấp các ưu đãi dựa trên thị trường để giảm phát thải các-bon. 

Trong bối cảnh luật pháp, tiêu chuẩn và quy tắc thương mại của Hydro trên phạm vi toàn cầu vẫn còn đang ở giai đoạn đầu, nhiều nước đã lựa chọn các giải pháp tạm thời, bao gồm theo thiết lập bản ghi nhớ với các nước khác về hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển để hài hòa các tiêu chuẩn và quy định; tham gia vào quan hệ đối tác công tư và chia sẻ thông tin phát triển chuỗi giá trị Hydro an toàn, đảm bảo nguồn cung cấp, và nhiều hoạt động khác. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất cũng có thể cân nhắc việc nghiên cứu, đưa năng lượng Hydro vào thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch hay khí tự nhiên trong kế hoạch tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong dài hạn.