Thanh Tâm ·
51 tuần trước
 6813

Kiến nghị đưa điện vào danh mục bình ổn giá?

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó có nhiều kiến nghị đưa điện vào diện bình ổn giá.

Điện là hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh nên Nhà nước cần bình ổn giá mặt hàng này, theo các đại biểu Quốc hội.

Ảnh minh họa.

Luật Giá hiện hành quy định điện trong danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá. Tuy nhiên, giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục bình ổn giá, và chuyển sang định giá.

Lý do, Nhà nước đã định giá điện (giá bán lẻ, bán buôn cũng như tại các khâu phát, truyền tải). Việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, nên bao quát các mục tiêu về ổn định giá, tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp, cũng như phương án kinh doanh của doanh nghiệp điện.

Góp ý tại phiên thảo luận Luật Giá (sửa đổi) chiều 23/5, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng nên giữ nguyên điện trong danh mục bình ổn giá (tức Nhà nước phải chi tiền ra bù giá).

Nêu lý do, đại biểu Yên Bái nói đây là hàng hóa dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế xã hội. Theo ông, giá điện chỉ tăng mà không giảm, nhưng đợt tăng giá 3% đầu tháng 5 vẫn chưa đủ bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. "Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá mặt hàng này"- ông nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất thường, ảnh hưởng tới người dân, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nên để UBTVQH quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Bởi hàng tháng UBTVQH đều họp. Do đó khi có vấn đề biến động về giá thì Chính phủ có thể trình danh mục để UBTVQH xem xét, quyết định.

Ông Hòa cũng bày tỏ băn khoăn khi đặt vấn đề: Tại sao điện lại không được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như xăng dầu mà lại do Nhà nước quy định giá mang tính bao cấp? Theo ông Hòa, 100% người dân đều sử dụng điện, sử dụng điện còn nhiều hơn xăng dầu. “Nếu Quốc hội đưa điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì người dân rất hoan nghênh” - ông Hòa nói.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) lại nêu bất cập, điều tiết giá điện ở Việt Nam hiện nay là mệnh lệnh hành chính, chứ "Nhà nước không chi một đồng nào". Theo ông, việc này dẫn tới thực tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ dù giá điện tăng 3% từ đầu tháng 5.

Ông ước tính, lũy kế 3 năm qua, tập đoàn này lỗ gần 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn sở hữu. Chưa kể, hiện EVN nợ tiền mua điện từ các đơn vị gần 20.000 tỷ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền trả.

Năm 2024, số lỗ này dự kiến tăng lên 112.000-144.000 tỷ đồng, tức chiếm 54-70% vốn chủ sở hữu của EVN nếu không được tăng tiếp giá điện. Trường hợp giá tăng 3%, số lỗ khoảng 94.000-126.000 tỷ đồng, tương đương 46-60% vốn chủ sở hữu.

"Việc EVN lỗ như vậy sẽ không thể trở thành tập đoàn mạnh, phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu trong lộ trình tái cơ cấu tập đoàn này", ông Nhân nói.

Vì thế, đại biểu TP HCM đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, đó là Nhà nước phải chi nguồn lực công, dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá. Việc này để EVN - tập đoàn lớn nhất, doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất ngành điện - không trong trạng thái sắp phá sản vào năm 2024.

Đến nay, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Thịt lợn (thịt heo); Phân đạm; phân DAP; phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; Vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ này.

Tạ Nhị