Khang Nguyễn ·
2 năm trước
 2225

Kỳ 4: Đại gia bất động sản làm điện gió: Nguy cơ bị phạt hàng tỉ đồng

Theo các chuyên gia, việc Công ty TNHH Tài Tâm có dấu hiệu của việc vi phạm một loạt các quy định về đầu tư xây dựng khi chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý thuê đất đã tiến hành các hoạt động xây dựng dự án sẽ khiến doanh nghiệp bị xử phạt hàng tỉ đồng.

Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường có loạt bài viết về việc ông Đỗ Lê Quân - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, dù không có nguồn lực tài chính và chuyên môn về năng lượng điện tái tạo.

Nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư và những độc giả hiểu chuyện đã phản hồi, chia sẻ quan điểm, trong đó chủ yếu bày tỏ những băn khoăn lớn đằng sau các dự án này. 

Cú áp phe nghìn tỉ?

Công ty TNHH Tài Tâm có ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Trong đó chủ yếu là tư vấn thực hiện các thủ tục xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, năng lượng. 

Công ty của vị đại gia này không hoạt động trong lĩnh vực năng lượng điện tái tạo nhưng lại sẵn sàng đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho các dự án điện tái tạo không thuộc chuyên môn là một bước đi khá rủi ro?

Hơn nữa, đây là những dự án vô cùng lớn, đòi hỏi nguồn vốn để được cấp phép theo quy định của pháp luật là để được cấp phép chủ trương đầu tư dự án, chủ đầu tư buộc phải đảm bảo mức vốn góp 30% trên tổng mức đầu tư dự án đối với những dự án có công suất dưới 50 MW và 15% đối với những dự án có công suất lớn hơn.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của Công ty TNHH Tài Tâm năm 2020, Khoản xây dựng cơ bản dở dang treo từ năm 2018 đến 2020 là hơn 120 tỉ đồng. Liên doanh liên kết năm 2018 có thực hiện đầu tư hơn 200 tỉ đồng, nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn 126 tỉ đồng. Như vậy có thể khẳng định năng lực tài chính của Công ty có thể sẽ không đảm bảo khi triển khai thực hiện các dự án.

Điện gió Quảng Trị

Dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm được thực hiện khi chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, đánh giá tác động đến môi trường, xây dựng, lao động? (Ảnh: Công Điền)

Việc ông Đỗ Lê Quân trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư vào thị trường điện gió với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng, thông qua Công ty TNHH Tài Tâm hay qua nhiều pháp nhân khác có thể là một dạng “đặt chỗ” tại những vị trí BĐS vàng để thực hiện dự án khi chưa đủ điều kiện cho phép, sau đó là những hoạt động, giao dịch để thực hiện những phi vụ mua bán chuyển nhượng dự án.

Thực tế, ngoại trừ những nhà đầu tư thực chất muốn xây dựng, đóng góp vào lĩnh vực điện tái tạo, có rất nhiều nhà đầu tư sử dụng phương thức trên để kiếm lợi nhuận từ những dự án này, bởi hiện nay, những dự án về năng lượng tái tạo nhận được sự ưu đã rất lớn từ các chính sách của Nhà nước. Dẫn tới tình trạng nhiều nhà đầu tư không có chuyên môn về năng lượng điện tái tạo, thậm chí không có đủ nguồn lực về tài chính nhưng lại có cách thức xin được dự án đầu tư, sau đó bán lại dự án để kiếm lời.

Nguy cơ bị xử phạt hàng tỉ đồng  

Dưới góc độ pháp luật, khung pháp lý không cấm chuyện mua bán, sang nhượng dự án điện. Tuy nhiên, trước thực tế việc thực hiện dự án của Công ty TNHH Tài Tâm kể từ khi được thuê đất đến thời điểm EVN công bố nhà máy điện gió Tài Tâm gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD chỉ là 18 ngày. 

Như vậy, các hoạt động thi công dự án của Công ty TNHH Tài Tâm đã được thực hiện khi chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, đánh giá tác động đến môi trường, xây dựng, lao động. Hơn nữa, còn có những phần đất chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, cùng với những sai phạm về việc sử dụng người lao động nước ngoài mà không được cấp phép lao động.

Về việc Công ty TNHH Tài Tâm có dấu hiệu của việc vi phạm một loạt các quy định về đầu tư xây dựng khi chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý thuê đất đã tiến hành các hoạt động xây dựng dự án. Dĩ nhiên nếu chưa có quyết định cho thuê đất thì không lý nào, cơ quan quản lý xây dựng lại cấp Giấy phép xây dựng trước đó. 

Với những dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai là hành vi Chiếm đất: Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật với mức xử phạt cao nhất lên tới 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức cùng các biện pháp khắc phục hậu quả như:

Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm,… (Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).

Hơn nữa, đối với việc số vốn của Công ty TNHH Tài Tâm có thể không đảm bảo khả năng góp vốn kịp thời của các dự án theo đúng thời hạn cũng là sự vi phạm các quy định về hoạt động đầu tư khi nhà đầu tư khi không thực hiện thủ tục góp vốn theo đúng thời hạn quy định, số tiền phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (theo quy định tại điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư).

Sẽ trục xuất hàng trăm lao động bất hợp pháp?

Đối với việc sử dụng người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động, theo Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

Điện gió Quảng Trị

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam (Ảnh: Tuổi trẻ)

- Đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động đã hết hạn thì phạt tiền theo các mức sau: Từ 30 - 45 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người; Từ 45 - 60 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người; Từ 60 - 75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

- Đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực thì phạt tiền: Từ 15 - 25 triệu đồng.

Ngoài ra, lao động nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp này còn có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Nguồn