Bích Ngọc ·
50 tuần trước
 9928

Lãi suất cho vay mua nhà tháng 12 có mức thấp nhất là bao nhiêu?

Đầu tháng 12, nhiều nhà băng tiếp tục xu hướng giảm lãi suất cho vay mua nhà.

Theo đó, Shinhan Bank đang triển khai mức lãi suất cho vay ưu đãi nhất là 6,6%/năm (áp dụng cho 6 tháng đầu). Thời hạn cho vay kéo dài đến 30 năm với hạn mức cho vay đạt 70%.

Đây cũng là nhà băng có mức điều chỉnh giảm lãi suất vay mua nhà nhiều nhất trong tháng. Cụ thể, so với tháng trước, nhà băng này đã mạnh tay giảm đến 1%.

Như vậy, sau tròn 1 năm, lãi suất cho vay mua nhà tại Shinhan Bank đã giảm rất sâu (giảm 4,3% từ con số 10,9% hồi tháng 12 năm 2022).

Theo sau đó là gói vay tại ngân hàng WooriBank, tại đây hạn mức cho vay lên đến 80% tài sản thế chấp. Lãi suất được áp dụng là 7,2%/năm với thời hạn vay kéo dài 30 năm.

Hong Leong Bank cũng đang có gói vay với lãi suất ngân hàng khá hấp dẫn là 7,3%/năm. Khách hàng có thể vay đến 80% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay kéo dài 25 năm.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, HSBC cũng duy trì lãi suất cho vay mua nhà ở mức 7,2%/năm và 9,75%/năm.

Một số nhà băng khác cũng có mức lãi suất dưới 10%/năm như: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank (9%/năm); Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB (8,49%/năm); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB (7,9%/năm). Trong đó, SCB gây chú ý khi có tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 100%.

Trong khi đó, một vài ngân hàng vẫn có mức lãi suất cho vay mua nhà trên 10%/năm, có thể kể đến: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - MaritimeBank - MSB với 10,99%/năm; Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank với 10,7%/năm và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank với 10,5%/năm, không đổi so với tháng trước.

Một trong những điểm đáng chú ý là một số ngân hàng bắt đầu thực hiện cho vay ưu đãi khi khách hàng mua căn nhà đầu tiên.

Theo đó, VietinBank có chính sách hỗ trợ lãi suất một phần cho người dân mua nhà thứ nhất để ở (mức hỗ trợ có thể là 2% bằng hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo Nghị định 31) và/hoặc có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay cụ thể đối với khách hàng mua bất động sản nhằm bình ổn thị trường và hỗ trợ các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho khách hàng.

Tuy là mức lãi suất cho vay đã giảm, nhưng các chuyên gia cho rằng, mức lãi suất này vẫn còn cao.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, kinh tế vẫn còn khó khăn nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Chính vì vậy, ngoài việc ngân hàng giảm lãi cho vay, cần có giải pháp kích cầu sức mua.

T.S Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp phải nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, xây dựng kịch bản kinh doanh bền vững, có phương án ứng phó với các biến động của thị trường. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay. Nhờ đó, tổng cầu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư gần đây có dấu hiệu tích cực, nhưng về cơ bản vẫn còn khó khăn.

Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered Bank chia sẻ, Ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,4% xuống 5%, cùng với đó nâng dự báo lạm phát từ 2,8% lên 3,4%. Sang năm 2024, GDP có thể tăng 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm), với kỳ vọng xuất khẩu được cải thiện.

Về lãi suất điều hành, theo nhận định của chuyên gia Standard Chartered Bank, Việt Nam liên tục hạ lãi suất điều hành trong năm 2023 là động thái bất ngờ, đi ngược với tình hình chung trên thế giới, nhưng khó có thể hạ thêm trong thời gian tới. Lãi suất tái cấp vốn có thể sẽ duy trì mức 4,5%/năm cho đến cuối quý III năm 2024 để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trước đó, Ngân hàng dự báo, lãi suất sẽ được giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7154699621256399/?