Bích Ngọc ·
22 tuần trước
 9178

Lãi suất sẽ dần tăng cao trở lại để giải tỏa áp lực tỷ giá?

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank cho biết, nguyên nhân chính khiến áp lực tỷ giá USD/VND luôn thường trực là do lãi suất duy trì ở mức thấp kỷ lục.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau khi tiếp nối xu hướng giảm trong quý 1/2024, sang tới tháng 4/2024, lãi suất huy động đã nhích tăng khoảng 0,2 - 0,4 điểm % và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy vậy, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp, và thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn dịch COVID-19.

VCBS nhận định rằng mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá USD/VND luôn thường trực khi chỉ số Dollar Index (DXY) vẫn duy trì ở mức cao.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Chênh lệch lãi suất còn được quan sát trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm của USD luôn cao hơn VND. Thậm chí lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam cũng đã giảm về mặt bằng thấp, và thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó, việc trong thời gian vừa qua giá vàng tăng mạnh, chủ yếu đến từ tâm lý đầu cơ tích trữ, cũng phần nào gây áp lực lên tỷ giá.

Theo các chuyên gia phân tích từ VCBS, mặc dù dữ trữ ngoại hối của Việt Nam đã được “bồi đắp” theo thời gian nhưng tổng mức dự trữ ngoại hối tính đến cuối năm 2023 ước tính đạt khoảng 3,3 tháng nhập khẩu, cao hơn không nhiều so với mức 3 tháng nhập khẩu do Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất.

Với các yếu tố trên cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) neo giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục 23 năm trở lại đây, áp lực tỷ giá đối với VND luôn thường trực. Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD.

Mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ dần tăng trở lại?

Theo các chuyên gia phân tích của VCBS, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo từng bước và linh hoạt, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút dòng vốn đầu tư, Việt Nam là điểm đến dựa trên các tiêu chí tiềm năng tăng trưởng của kinh tế, và mức rủi ro quốc gia.

Do đó, đảm bảo ổn định tỷ giá là yếu tố quan trọng tạo niềm tin thu hút dòng vốn. Cùng với đó đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài. Cuối năm ngoái, vay nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm vay nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp) ước tính đạt khoảng hơn 145 tỷ USD (tương ứng 37-38% GDP). Áp lực tăng lên tỷ giá có thể ảnh hưởng tới giá trị và khả năng vay, trả nợ của quốc gia.

Trước áp lực tỷ giá thường trực, để đảm bảo các cân đối vĩ mô, Ngân hàng Nước được dự báo buộc phải gia tăng cường độ và liều lượng các biện pháp điều hành, theo sát chỉ đạo mới đây của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong đó giao Ngân hàng Nhà nước điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích VCBS, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất với ưu tiên sử dụng là công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở.

VCBS cho biết, diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngoại tệ tại từng thời điểm, điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng như diễn biến sức mạnh USD (chỉ số DXY).

Đồng thời cũng kỳ vọng vào thời điểm cuối năm, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, trong điều kiện thuận lợi chỉ số DXY không tăng (thậm chí giảm nhẹ), cùng các điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, VND có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7794059970653691