Tháng 11 lãi suất ngân hàng tiếp tục ghi nhận thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Nhìn vào biểu lãi suất mới của ACB cho thấy, với tiền gửi dưới 200 triệu đồng, kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lần lượt là 3,4%, 3,5%, 3,6%/năm. Đáng chú ý, kỳ hạn 6 tháng giảm (từ 5% xuống 4,6%/năm). Còn kỳ hạn 9 tháng giảm từ 5,1% xuống 4,65%/năm và kỳ hạn 12 tháng giảm từ 5,5% xuống 4,7%/năm.
Có thể thấy, ACB là một trong những nhà băng trả lãi huy động thấp trên thị trường ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Tuy vậy, ACB cũng áp dụng lãi suất đặc biệt ở kỳ hạn 13 tháng dành cho khách hàng VIP gửi từ 200 tỷ đồng trở lên là 6,5%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và 6,25%/năm (lĩnh lãi hàng tháng).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bắc Á Bank cũng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng, cùng với đó giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-13 tháng, giảm 0,15 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn từ 15-36 tháng.
Đối với kỳ hạn 1-5 tháng còn 4,35%/năm; kỳ hạn 6-8 tháng còn 5,4%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng còn 5,5%/năm và kỳ hạn 12-13 tháng còn 5,6%/năm.
Các kỳ hạn dài từ 18 - 24 tháng cũng vừa được Kiên Long Bank hạ lãi suất huy động. Với mức giảm 0,2 điểm phần trăm, lãi suất huy động các kỳ hạn này đã giảm xuống 6,2%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt là 5,4%/năm, 5,6%/năm và 5,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 15 tháng đang là 5,8%/năm.
Như vậy, tính từ đầu tháng 11 đến nay đã có 12 nhà băng giảm lãi suất huy động gồm: ACB, Bắc Á Bank, Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, NCB, SHB, Techcombank, Sacombank, VIB, VietBank, VPBank.
Các nhà băng thuộc nhóm Big4 (Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank) cũng có động thái tiếp tục giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp.
Mới đây Vietcombank đã giảm thêm 0,2% lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở tất cả kỳ hạn. Cụ thể, tại nhà băng này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1, 2 tháng xuống còn 2,8%/năm, 3 tháng còn 3,1%/năm, 6 tháng còn 4,1%/năm, 12 tháng trở lên còn 5,1%/năm.
Trong khi đó, ba ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 3%/năm đối với kỳ hạn 1 - 2 tháng, 3 - 5 tháng ở mức 3,3%, 6 tháng ở mức 4,3%, 12 tháng trở lên ở mức 5,3%.
Theo PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nguyên nhân là do kênh đầu tư khác (như cổ phiếu, trái phiếu, vàng) không hấp dẫn và tiềm ẩn rủi ro cao. TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, lúc này sản xuất kinh doanh khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, người dân và doanh nghiệp chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hoặc để tiền trong tài khoản thanh toán dù lãi suất có giảm để đảm bảo an toàn. Tiền trong tài khoản thanh toán của cá nhân cũng như các doanh nghiệp đã tăng lên cũng thể hiện khách hàng chờ đợi một cơ hội đầu tư, đợi khi nền kinh tế ấm lên thì họ sẽ đầu tư vào những kênh như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia, tỷ trọng CASA vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng và ngân hàng nào càng đẩy mạnh chuyển đổi số, làm hài lòng người dùng thì sẽ càng có lợi thế trong cuộc đua hút vốn giá rẻ này. Chẳng hạn các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào như: Vietcombank, MB, Techcombank,… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7050378775021818/?