Hồ Hằng ·
1 năm trước
 1532

Lâm Đồng: Chi trả dịch vụ môi trường rừng từng bước phát huy hiệu quả

Trong hơn 12 năm áp dụng Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Quốc gia đầu tiên tại châu Á triển khai chính sách DVMT

Dựa theo báo cáo chuyên đề của Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế, từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập cơ sở pháp lý nhằm thực hiện chương trình quốc gia về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (2004).

Năm 2008, Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng.

Đến năm 2010, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP đã được ban hành nhằm triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi toàn quốc từ 1/1/2011.

Các hộ dân tham gia nhận khoán tích cực trồng và chăm sóc diện tích rừng trồng thay thế (Ảnh- Hoàng Sa)

Mục tiêu của DVMTR tại Việt Nam nói chung và Lâm đồng nói riêng là bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng và đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng.

Cụ thể, về cơ chế vận hành DVMTR tại Việt Nam chủ yếu dựa vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp trung ương và cấp tỉnh.

Các Quỹ sẽ ký hợp đồng với người mua dịch vụ và thu tiền từ các bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng; chuẩn bị kế hoạch chi trả; giám sát và phân bổ tiền tới người cung cấp dịch vụ; chuẩn bị và đệ trình các báo cáo theo từng giai đoạn tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trung ương.

Người cung cấp dịch vụ là các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và tổ chức được xem xét bởi các Quỹ cấp tỉnh dựa trên chứng nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng dịch vụ được quy định tại Nghị định 99 là các công ty cung cấp nước, các cơ sở sản xuất thủy điện và công ty kinh doanh du lịch.

Tuy nhiên, thực chất số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển cho người sử dụng dịch vụ cuối cùng là người dân và các đối tượng sử dụng điện và nước (số tiền này được hạch toán trong giá bán điện và nước).

Tại Nghị định 99 cũng có quy định về các loại dịch vụ môi trường phải chi trả, bao gồm: Phòng hộ đầu nguồn (gồm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho hoạt động sản xuất và đời sống xã hội); Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho du lịch; Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái và giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên và nguồn nước từ rừng cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Đạt nhiều hiệu quả bảo vệ tài nguyên rừng 

Áp dụng theo chính sách đã đề ra, thời gian qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu tỉnh ban hành các quy định thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tạo được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị liên quan và Nhân dân.

Quỹ thường xuyên rà soát, nghiên cứu ban hành, bổ sung quy chế, quy định phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với đặc điểm của đơn vị; rà soát, đổi mới quy trình, cải cách thủ tục theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được phục vụ tốt nhất.

Tại tỉnh Lâm Đồng, chính sách chi trả DVMTR đã được thực hiện hơn 12 năm.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng 68 đơn vị chi trả tiền DVMTR, bao gồm: 44 nhà máy sản xuất thủy điện, 19 cơ sở sản xuất kinh doanh mô hình nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp. Bình quân số tiền DVMTR chi 250 tỷ đồng/năm cho khoảng 350.000 ha rừng cung ứng của các chủ rừng, chiếm 72% tỉ lệ diện tích rừng toàn tỉnh.

Có thể nói, xuyên suốt thời gian áp dụng, chính sách chi trả DVMTR đã tạo nên nguồn tài chính ổn định, giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống dân sinh của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân (Ảnh tapchimoitruong)

Gần đây nhất, Quỹ đã tiến hành ký kết phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR với các tổ chức đoàn thể xã hội như Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh,... để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững.

Qua việc ký kết, các cơ quan sẽ mở rộng lồng ghép tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thông qua các tổ chức chính trị, xã hội.

Cùng đồng hành thực hiện chương trình ký kết tuyên truyền này, Đoàn Thanh niên tỉnh Lâm Đồng (đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên) cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp nâng cao chiến dịch truyền thông về môi trường, về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh, trồng rừng theo chuỗi các sự kiện, các ngày lễ lớn và thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Đối với Hội Phụ nữ, hưởng ứng Phong trào “Toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phát động, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tích cực vận động hội viên và người dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hội Nông dân các cấp cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và người dân địa phương về giá trị của rừng trong việc phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, giúp người dân thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái trong đời sống con người.

Về công tác thu và chi tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đánh giá  tương đối thuận lợi, không xuất hiện tình trạng nợ đọng. Việc tạm ứng và chi trả cho bên cung ứng DVMTR được xử lý kịp thời và đầy đủ, một số chủ rừng chi trả cho hộ nhận khoán đã tài khoản ngân hàng và giao dịch điện tử.

Từ đó, giảm rủi ro, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và tăng tính minh bạch cho bên thực hiện chi trả tiền DVMTR, đồng thời tạo thuận tiện cho chủ rừng về lâu dài.