Một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt – Ảnh minh họa
Theo đó, đến năm 2025 phấn đấu 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, 80% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại hộ gia đình, cá nhân được phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% các phường, thị trấn, thị tứ có đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, 97% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển, xử lý, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý...
Phấn đấu đến năm 2050 tất cả các loại chất thải rắn phát sinh trên địa bàn đều được phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn chôn lấp đến mức thấp nhất.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh Lạng Sơn đề ra nhiều giải pháp như: Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường ở các cấp, các ngành đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý chất thải rắn; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn được giao theo thẩm quyền; Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các dự án đầu tư thu gom, vận chuyển, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn; các hoạt động tái sử dụng, tái chế và sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải; Bố trí nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và một phần kinh phí sự nghiệm môi trường hàng năm thực hiện kế hoạch. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn, sống thân thiện với môi trường; coi rác thải là một nguồn tài nguyên quý giá; có lộ trình đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, từ cấp mầm non, tiểu học để người dân sớm có ý thức trách nhiệm đối với rác thải và bảo vệ môi trường; Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyên truyền về thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; Tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến về tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ thu hồi năng lượng, phát điện từ xử lý chất thải rắn; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn.
UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố xác định nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn./.