Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn hiện đang quản lý, khai thác hơn 120 hồ chứa, trên 200 đập dâng. Để quản lý, khai thác nguồn nước mặt có hiệu quả, hằng năm, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp các hồ đập, đảm bảo tích nước, điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước. Bên cạnh đó, thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với công trình hồ, đập có trữ lượng từ 1 triệu m3 nước trở lên, không để xảy ra lấn chiếm, ô nhiễm nguồn nước…
Theo phương án, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn tỉnh là trên 530.000 m3/ngày; tài nguyên dự báo nước dưới đất là hơn 1,7 triệu m3/ngày; tổng lượng bổ cập nước dưới đất đạt trên 1,1 triệu m3/ngày.
Tỉnh Lạng Sơn hiện có gần 60 trạm bơm nước ngầm, giếng khoan cấp nước với tổng lưu lượng nước được cấp phép khai thác là hơn 24.400 m3/ngày/đêm; chất lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đảm bảo phục vụ cho mục đích sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước từng bước được quản lý chặt chẽ. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Danh mục vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình; Triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; Ban hành Kế hoạch hành động quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước.
Lạng Sơn tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất đã được quản lý cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 50 giấy phép khai thác nước ngầm cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan và các địa phương
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước có hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra hàng loạt giải pháp cũng như giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương.
Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, các thủ tục hành chính đã ban hành hoặc công bố có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bảo đảm phù hợp với Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành;
Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; hòa giải, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đến xã, phường, thị trấn các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ…
Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước. Chủ động kiểm soát, ngăn ngừa hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho một số đoạn sông và các nguồn nươc quan trọng phục vụ việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý tài nguyên nước để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý tài nguyên nước, việc chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân họạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài nguyên nước.