Minh Sơn ·
1 năm trước
 4077

Lấy "sức kéo" đầu tư công thúc đẩy doanh nghiệp thương mại 5G

Sự phát triển của 5G sẽ đẩy nhanh quá trình tích hợp, ứng dụng và thương mại hóa các công nghệ cao, công nghệ mới góp phần tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ về những phương hướng và chính sách cần có hỗ trợ doanh nghiệp thương mại 5G.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, thúc đẩy 5G phát triển sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp truyền thống từ khâu quản lý đến phương pháp sản xuất, giúp gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp truyền thống.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã

Chẳng hạn, trong ngành khai thác mỏ, 5G có thể giảm đáng kể số lượng công nhân dưới lòng đất, cải thiện độ chính xác của giám sát môi trường sản xuất và giảm đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn an toàn lớn. Tại một số nước trong khu vực như Indonesia mạng 5G giúp tăng hiệu quả khai thác mỏ lên 60% và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống 30%.

Nếu mạng 4G đã thay đổi cuộc sống thì 5G sẽ thay đổi xã hội. Với phạm vi phủ sóng rộng rãi, đáp ứng được nhiều kết nối hơn, mạng 5G cho phép dữ liệu hơn được thu thập nhiều hơn giúp nhà quản trị ra quyết định từ dữ liệu, hình thành khả năng quản trị khoa học, thông minh. 5G cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ thiết yếu cho người dân như y tế từ xa và giáo dục trực tuyến, đồng thời cải thiện số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Có thể thấy, ứng dụng 5G là quá trình thúc đẩy chuyển đổi số toàn xã hội và mở rộng nền kinh tế số. Ở Việt Nam đang có rất nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Mỗi giai đoạn phát triển của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nhu cầu rất khác nhau và tính cá thể hóa càng khác nhau. Vì vậy, trong thời gian tới, ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng, tuỳ nhu cầu và đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp sẽ phát triển các ứng dụng 5G phù hợp.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn ứng dụng 5G đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc nhân rộng và quảng bá các ứng dụng 5G trên quy mô lớn. Do đó, các bộ, ngành, hiệp hội cần phối hợp với các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp để nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ứng dụng tích hợp 5G trong các ngành, lĩnh vực chính như tiêu chuẩn chung cơ bản, tiêu chuẩn thiết bị tích hợp và tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ mới vào 5G...

Nhiều doanh nghiệp mới và mô hình kinh doanh mới được hình thành từ 5G tích hợp công nghệ cao

Tuy nhiên, trong sự phối hợp này, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái cần xây dựng quan hệ đối tác, hợp tác chặt chẽ theo quy mô kinh doanh để giảm chi phí R&D, nhanh chóng giải quyết nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thương mại hóa 5G, thời gian tới, ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng, cần có một số chính sách hỗ trợ. Đó là, thúc đẩy các cơ quan, địa phương chuyển đổi số cần ưu tiên sử dụng hạ tầng băng rộng cố định, di động kết hợp với các công nghệ mới. Tức là lấy sức kéo của thị trường (đầu tư công) để thúc đẩy doanh nghiệp thương mại 5G.

Cùng với ban hành Hệ thống tiêu chuẩn ứng dụng 5G, đảm bảo tài nguyên tần số cho 5G; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc trung tâm nghiên cứu kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để tăng cường xây dựng cơ sở đào tạo, thực hành kỹ thuật 5G. 

Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức quốc tế, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn 5G và mạng thế hệ sau của các Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế.