Mạnh Quân ·
3 năm trước
 1458

Liên hợp quốc chung tay bảo vệ tài nguyên rừng

Nạn phá rừng và suy thoái rừng là mối đe dọa lớn nhất đối với kho tài nguyên xanh trên toàn thế giới. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tăng cường nỗ lực bảo vệ rừng.

Thực trạng rừng đáng báo động

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) công bố số liệu cho thấy thực trạng đáng quan ngại, đó là chỉ tính riêng trong một thập kỷ qua, hơn 43 triệu ha rừng (tức rộng hơn diện tích nước Đức) đã biến mất. Điều đáng nói, đây chỉ là con số ghi nhận tại một số điểm nóng chặt phá rừng.

Các nhà khoa học quốc tế cũng cảnh báo rừng nhiệt đới Amazon - “lá phổi xanh” của Trái đất - đang gần chạm ngưỡng có thể phải chứng kiến một trong những hệ sinh thái lớn nhất và phong phú nhất thế giới biến thành một xavan (thảm thực vật trảng cỏ) khô cằn trong vòng 50 năm tới.

Hậu quả tình trạng phá rừng phục vụ ngành sản xuất giấy tại  tỉnh Nam Sumatra, Indonesia sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Còn tại khu vực Đông Nam Á nơi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo cân bằng carbon trên toàn cầu nhưng hiện nay khu vực này lại là điểm nóng về phá rừng. Tỉ lệ mất rừng của toàn khu vực Đông Nam Á là khoảng 8 triệu hecta rừng hàng năm, trong đó 62% diện tích rừng bị mất đến từ Indonesia, theo sau là Malaysia với 16,6%, Myanmar 5,3% và Cambodia là 5%.

Những hệ lụy của việc mất rừng

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), thế giới đang mất đi 10 triệu ha rừng mỗi năm (tương đương với diện tích của quốc đảo Iceland). Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo chỉ ra một loạt hậu quả của việc phát quang rừng lấy đất sử dụng, 75% tổng diện tích đất trên toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng do hoạt động của con người.     

Rừng lưu trữ một lượng lớn cacbon thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, do vậy, khi đốt cháy hoặc chặt cây, lượng cacbon thải vào khí quyển dưới dạng khí CO2 và khí nhà kính. Việc khai thác và đốt rừng nhiệt đới, rừng trên đất than bùn chiếm khoảng 10% các chất khí nhà kính sinh ra từ hoạt động của con người. Do đó, bảo vệ và phục hồi rừng là hoạt động quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu. Hậu họa của việc phá hủy rừng hoàn toàn sẽ dẫn tới một cuộc biến đổi không chỉ trong phạm vi khu vực mà trên toàn cầu về mức độ gia tăng hiệu ứng nhà kính. 

Rừng được ví là “lá phổi xanh của trái đất”, cùng với các thảm thực vật và đất hấp thụ 1/3 tổng lượng ô nhiễm carbon mà con người tạo ra hàng năm. Tuy nhiên, rừng đang biến mất một cách nhanh chóng. Điều này đang tạo ra những tổn thất không thể bù đắp đối với hệ đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trên trái đất.

Không thể phủ nhận vai trò to lớn của tài nguyên rừng đối với toàn hành tinh, hơn 80% đa dạng sinh học trên cạn của thế giới có thể tìm thấy trong những cánh rừng. Tuy nhiên sự suy thoái và mất rừng đang đe dọa đến sự tồn tại của nhiều loài động, thực vật và làm giảm khả năng cung cấp các yếu tố thiết yếu như không khí sạch, nước sạch, đất sạch cho nông nghiệp và điều hòa khí hậu.

Rừng còn là sinh kế bền vững của hàng tỉ người trên toàn cầu, trong số đó là những người nghèo nhất thế giới. Phá rừng và suy thoái rừng có tác động lớn đến cuộc sống của cộng đồng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, tài nguyên rừng hỗ trợ khoảng 90% những người nghèo nhất trên thế giới - một thực tế đang hiện hữu tại các cộng đồng bản địa sống trong rừng hoặc gần rừng.

Việc khai thác rừng không bền vững gây hại cho các cộng đồng, gây mất đa dạng sinh học và tác động đến khí hậu. Hàng năm, nông nghiệp không bền vững, buôn bán gỗ, tội phạm có tổ chức và buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã đã khiến thế giới mất khoảng 4,7 triệu ha rừng - diện tích lớn hơn Đan Mạch. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người, như Ebola và Covid-19.

Độ đa dạng loài được dự báo sẽ giảm 10% vào năm 2050 và các cánh rừng già sẽ bị giảm 13% trên toàn cầu. 1/3 đa dạng sinh học trên hệ thống sinh thái nước ngọt đã biến mất và sẽ còn bị biến mất trong năm 2050. Thiệt hại của xã hội về các chi phí phải bỏ ra cho việc đánh mất đa dạng sinh học được ước tính từ khoảng 2–5 nghìn tỉ USD/năm. Khu vực Đông Nam Á sở hữu 15% tổng diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới, đồng thời sở hữu ít nhất 4/25 các điểm nóng đa dạng sinh học trên toàn cầu. Tuy nhiên với tốc độ phá rừng hiện nay và việc phần lớn các diện tích rừng còn lại nằm trong các khu bảo tồn và vườn quốc gia chưa được bảo vệ hiệu quả thì các học giả quốc tế lo ngại rằng 40% đa dạng sinh học của khu vực này sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2100.

Theo một nghiên cứu mới, khả năng hấp thu carbon của các khu rừng già cỗi ở châu Âu đang tiến dần tới điểm bão hòa, đe dọa một trong những hàng rào phòng hộ quan trọng chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Các chuyên gia cảnh báo, các khu rừng từ Tây Ban Nha đến Thụy Điển đang trở nên già cỗi, với số ít cây làm tốt khả năng lưu giữ khí thải được cho là do nhiệt độ thế giới tăng lên, nước biển dâng và số lượng các đợt sóng nhiệt và lũ lụt tăng lên. 

Thực hiện lời kêu gọi tại Việt Nam

Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất. Ở Việt Nam, đây đồng thời là dịp để người dân hiểu hơn về vai trò của rừng và góp sức triển khai ‘Đề án 1 tỉ cây xanh’ do Thủ tướng Chính phủ phát động với mục tiêu: Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỉ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Việt Nam, trong điều kiện của một nước đang phát triển và nguồn lực còn hạn chế, rừng chiếm vị trí quan trọng trong các nỗ lực quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch thích ứng quốc gia đã nhấn mạnh các ưu tiên về phục hồi, quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng thông qua các giải pháp tái sinh, phục hồi rừng, làm giàu rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phát triển rừng trồng nhằm cải thiện sinh kế và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp.

Rừng Việt Nam cần được tăng độ che phủ và chất lượng.

Việc tăng dày thảm thực vật rừng còn giúp đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam, nhằm thực thi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật, Việt Nam cam kết vào năm 2030 giảm phát thải 83,9 triệu tấn CO2 bằng nỗ lực quốc gia; và nếu có sự hợp tác hiệu quả của quốc tế, Việt Nam có thể giảm phát thải tới 250 triệu tấn CO2

Liên Hợp quốc kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất. Như vậy, trong giai đoạn tới, độ che phủ rừng Việt Nam cần được đảm bảo vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên; trong khi đó chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh Đề án 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, thách thức đặt ra cho ngành lâm nghiệp là phải có những giải pháp, sáng kiến đột phá để đạt được những mục tiêu nêu trên, đồng thời tăng cường nhận thức của xã hội về công tác bảo vệ và phát triển rừng. 

Phủ xanh rừng - trách nhiệm của cả cộng đồng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp đến hết năm 2020, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,3 triệu ha với độ che phủ rừng đạt 42%, còn bình quân thế giới chỉ 31%. Tuy nhiên, diện tích rừng bình quân của chúng ta thấp hơn bình quân thế giới 7 lần và trữ lượng cũng thấp hơn bình quân của thế giới 7,5 lần. Mặc dù tỉ lệ che phủ rừng có tăng lên, nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, tỉ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Phục hồi cảnh quan rừng không chỉ là trồng cây, nó còn bao gồm nhiều hoạt động như nông lâm kết hợp, kiểm soát xói lở và tái sinh rừng tự nhiên. Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng phương pháp “Đánh giá cơ hội phục hồi” nhằm đánh giá mức độ cảnh quan bị suy thoái và mất rừng ở một số quốc gia, một số khu vực, xác định các chiến lược tốt nhất để khôi phục chúng. ROAM giúp các chính phủ, các nhà hoạt định chính sách ứng dụng phục hồi cảnh quan rừng để đáp ứng ưu tiên quốc gia và mục tiêu quốc tế về khí hậu, đa dạng sinh học.

Nhằm khắc phục tình trạng suy thoái rừng, Chính phủ đưa ra các chính sách nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản lý rừng bền vững, khôi phục rừng con đường dẫn đến khôi phục kinh tế và hạnh phúc.

Đẩy mạnh việc bảo vệ và tái sinh diện tích rừng tự nhiên đặc biệt là rừng nguyên sinh. Việc tái sinh rừng phải được tiến hành cùng một lúc với việc giảm phá rừng hiện có. Các chính sách tái sinh rừng và bảo vệ rừng hiện có cần phải tiến hành song song bởi nếu chỉ tập trung vào việc tái sinh rừng mà không bảo vệ rừng hiện có thì giá trị đa dạng sinh học sẽ không thể phục hồi được. Ngược lại nếu chỉ tập trung vào việc bảo vệ rừng hiện có mà không có chính sách tái sinh rừng thì cũng hạn chế tiềm năng lâu dài mà tái sinh có thể đem lại.

Nguồn