Ngày 12/5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ thắt chặt các quy định về ô nhiễm không khí, chất thải và sử dụng hóa chất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học.
Ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Môi trường EU nhận định: "Một trong những bài học lớn mà chúng ta học được từ cuộc khủng hoảng Covid-19 là mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người và sức khỏe của hành tinh. Hiện tại, cả hai vấn đề này đều không tốt".
Không khí ô nhiễm là thủ phạm chính và có liên quan đến các mục tiêu biến đổi khí hậu của EU.
Theo đó, kế hoạch giải quyết ô nhiễm của EC đặt ra các mục tiêu cho năm 2030 và định hướng đến năm 2050 về việc giảm ô nhiễm không khí, nước và đất đến mức không còn gây hại cho sức khỏe và thiên nhiên. Ông Sinkevicius cũng cho rằng, các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm các cộng đồng có thu nhập thấp phải chịu gánh nặng từ các tác động tiêu cực của ô nhiễm. Không khí ô nhiễm là thủ phạm chính và có liên quan đến các mục tiêu biến đổi khí hậu của EU, đồng thời các nhà máy và ô tô cũng thải ra chất ô nhiễm như CO2 khiến Trái Đất nóng lên.
Bên cạnh đó, EC đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 55% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí. Cơ quan này cũng cho biết chất lượng không khí của châu Âu đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn gây ra số ca tử vong lớn, với 379.000 ca tử vong sớm ở EU vào năm 2018 liên quan đến việc tiếp xúc với các chất dạng hạt. Đồng thời, EC sẽ sửa đổi các giới hạn ô nhiễm không khí của EU vào năm 2022 để phù hợp hơn với các khuyến nghị sắp tới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các quy định "Euro 7" chặt chẽ hơn, dự kiến sẽ được đề xuất trong năm nay, cũng sẽ hạn chế ô nhiễm từ phương tiện giao thông.
Các mục tiêu khác cho năm 2030 bao gồm giảm phát thải 25% trong các hệ sinh thái, nơi ô nhiễm không khí đe dọa đa dạng sinh học và giảm 50% rác thải nhựa trên biển. Để đạt được những mục tiêu đó, EC sẽ đề xuất các biện pháp loại bỏ dần các chất gây rối loạn nội tiết - hóa chất can thiệp vào hormone, xem xét giới hạn lượng khí thải amoniac từ chăn nuôi và nhà máy, đồng thời sửa đổi các quy định về thuốc trừ sâu để giảm việc sử dụng hóa chất.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết, có đến 13% số ca tử vong tại "lục địa già" có liên quan đến ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm không khí là yếu tố môi trường hàng đầu, khiến khoảng 400.000 người tử vong sớm mỗi năm ở Liên minh châu Âu (EU). Cứ trong 8 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, tiếng ồn, biến đổi khí hậu và tình trạng phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại là các nguồn ô nhiễm môi trường gây ốm bệnh dẫn đến tử vong trên khắp châu Âu. Một nghiên cứu khác do Liên minh CE Delft (gồm một nhóm các cơ quan giám sát môi trường và xã hội có trụ sở tại Hà Lan) công bố ngày 21/10/2020 chỉ rõ, cư dân thành thị ở châu Âu phải chịu thiệt hại hơn 160 tỉ euro (tương đương khoảng 190 tỉ USD) mỗi năm do tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2018 đã gây thiệt hại trung bình 1.250 euro cho một người dân thành thị, chiếm khoảng 4% thu nhập hằng năm của họ. |