Trần Anh ·
3 năm trước
 2390

Liên quan đến việc cá chết hàng loạt tại KCN Phong Điền, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam bị tạm dừng xả thải

Kết quả quan trắc cho thấy 2 chỉ tiêu là amoni tổng số (NH4+-N) và tổng nitơ vượt giới hạn rất nhiều lần. Sau đó, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Huế bị tạm ngừng xả nước thải của Nhà máy chế biến tôm đông lạnh. Nếu như mức độ ô nhiễm không gây sự cố chết cá, thì liệu sự việc này có được điều tra làm rõ?

Thời gian vừa qua, sự việc cá tự nhiên tại các ao hồ, khe suối nằm trong phạm vi đất thuộc KCN Phong Điền bỗng dưng bị chết hàng loạt khiến người dân lo lắng.

Theo phản ánh của người dân, có khoảng 1 tấn cá, phần lớn là cá rô phi chết nổi trắng mặt nước. Cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước và dạt vào bờ, nhiều nơi cá chết chìm dưới đáy, phân hủy và bốc mùi. Ghi nhận tại khu vực cá chết chính là nơi tiếp nhận nước từ hệ thống nước thải của các nhà máy ở Khu công nghiệp Phong Điền xả ra.

cá chết tại KCN Phong Điền

Cá tại các ao hồ gần nhà máy ở KCN Phong Điền chết hàng loạt

Lực lượng chức năng đã vớt hết số cá chết và tiến hành xử lý, vệ sinh môi trường tại các ao hồ, khe suối có cá chết gần nhà máy ở KCN Phong Điền. Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cắt cử cán bộ đến khu vực cá chết lấy mẫu để phân tích, xác định nguyên nhân cá chết.

Liên quan đến sự việc này, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế tại hiện trường, chỉ đạo công tác thu gom và xử lý cá chết để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo Báo Tài nguyên Môi trường thông tin, kết quả quan trắc nước thải sau xử lý của nhà máy vào hai thời điểm khác nhau cho thấy có 5/10 chỉ tiêu đo đạc, phân tích vượt giá trị nồng độ tối đa cho phép QCVN 11-MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản.

Trong đó, có 2 chỉ tiêu là amoni tổng số (NH4+-N) và tổng nitơ vượt giới hạn rất nhiều lần. Cụ thể, NH4+-N vượt 15 lần và tổng Nitơ vượt 5,94 lần.

Căn cứ vào kết quả trên, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một số chỉ đạo như sau: Trước hết, Ban Quản lý yêu cầu Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Huế tạm ngừng hoạt động xả nước thải của Nhà máy chế biến tôm đông lạnh vào môi trường để tiến hành kiểm tra, rà soát quy trình vận hành của hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo hiệu suất xử lý đạt quy chuẩn xả thải theo quy định.

Yêu cầu kích hoạt hồ sự cố của nhà máy để phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải trong trường hợp chất lượng nước thải sau khi xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Sau khi Hệ thống xử lý nước thải vận hành ổn định, đáp ứng hiệu suất xử lý theo quy định, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu doanh nghiệp liên hệ với 2 đơn vị quan trắc môi trường tiến hành lấy mẫu, quan trắc độc lập nước thải sau xử lý của nhà máy.

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, chứng kiến quá trình lấy mẫu của các đơn vị. Việc xả thải vào môi trường của nhà máy chỉ được tiếp tục sau khi được Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chấp thuận bằng văn bản.

Ngoài ra, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Huế lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục của nhà máy, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

cá chết ở KCN Phong Điền

Kết quả quan trắc cho thấy 2 chỉ tiêu là amoni tổng số (NH4+-N) và tổng nitơ vượt giới hạn rất nhiều lần. Cụ thể, NH4+-N vượt 15 lần và tổng Nitơ vượt 5,94 lần

Đây không phải lần đầu tiên người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường có liên quan đến KCN Phong Điền. Nhiều năm qua, người dân thị trấn Phong Điền đã nhiều lần phản ánh tình trạng nước thải tại KCN Phong Điền chưa qua xử lý được xả ra môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, phải đến khi sự cố cá chết hàng loạt cho thấy tình trạng nghiêm trọng thì mới đo đạc và tìm ra nguyên nhân gây chết cá. Nếu như mức độ ô nhiễm không gây sự cố chết cá, là sự việc trực quan và gây hoang mang cho người dân, thì liệu sự việc xả thải gây ô nhiễm này có được điều tra làm rõ và quy trách nhiệm hay không?

Thêm nữa, theo ông Nguyễn Khoa Khương, dù đã đi vào hoạt động từ rất nhiều năm nhưng đến nay KCN Phong Điền vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Hiện hệ thống xử lý nước thải của KCN này vân đang trong quá trình xây dựng.

Vậy, tại sao chưa có hệ thống xử lý nhưng KCN đã được đi vào hoạt động từ nhiều năm? Theo tôi được biết, nhà máy khi muốn hoạt động phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), để đảm bảo trách nhiệm môi trường, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh, vậy tại sao KCN Phong Điền vẫn được phép hoạt động khi không có hệ thống xử lý nước thải?