Báo cáo từ EVN cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân, với sản lượng sản xuất và nhập khẩu trên toàn hệ thống đạt gần 70 tỉ kWh, cao hơn 1,35 tỉ kWh so với kế hoạch, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Tháng 4, sản lượng điện tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 865,7 triệu kWh/ ngày, cũng tăng 10% so với cùng kỳ.
Dự báo về nền nhiệt độ tăng cao, nắng nóng xuất hiện sớm tại cả 3 miền nên nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so kế hoạch đầu năm. EVN đã cập nhật Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) của năm 2024 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
EVN lên kế hoạch huy động toàn bộ nguồn lực để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô.
EVN cho hay, để bảo đảm nguồn cho hệ thống, tập đoàn đã huy động tối đa nguồn điện than, khí, vượt kế hoạch 1,98 tỉ kWh nhằm dự phòng cho tình huống nhiệt độ tăng cao ở cả ba miền, đặc biệt là các tháng cao điểm mùa khô.
Phương án cơ sở được EVN đưa ra là điều chỉnh tăng thêm 4,2 tỷ kWh, lên khoảng 310,6 tỷ kWh (tăng 10,4% so với năm ngoái) trên toàn hệ thống. Còn phương án cao khi nhu cầu điện tăng trưởng đột biến, sản lượng toàn hệ thống sẽ tăng 11,4% so với năm ngoái, đạt mức 313,4 tỷ kWh và cao hơn phương án cơ sở 2,8 tỷ kWh.
Nhằm đảm bảo việc vận hành hệ thống, EVN cho biết sẽ huy động các nguồn điện khác nhau để bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm.
Ngoài việc vận hành linh hoạt các nguồn thủy điện; đảm bảo đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, khí... EVN cũng cho biết, đã tính đến phương án huy động các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong tình huống khẩn cấp.
Đáng chú ý, EVN đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc năm 2024 lên 1,8 tỷ kWh, tăng 700 triệu kWh so kế hoạch (trong đó nhập khẩu thêm tại Móng Cái khoảng 70 MW trong các tháng mùa khô).
Cùng với đó, EVN cũng tiếp tục đàm phán với đối tác Lào tăng nhập khẩu điện về Việt Nam, đặc biệt là các nguồn điện nhập từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị. Để đảm bảo việc cung ứng, EVN sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành các đường dây 500 kV mạch 3 Quản Trạch - Phố Nối; hoàn thành các công trình lưới điện để tăng nhập khẩu điện từ Lào.
Trước đó, tại phiên họp thường trực Chính phủ về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc; tập trung công tác điều hành, củng cố năng lực truyền tải điện. Các đơn vị cung ứng điện phải rà soát lại số liệu, xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất có thể xảy ra; có các giải pháp kịp thời, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả đáp ứng mục tiêu đề ra. Cần nhanh chóng hoàn chỉnh cơ chế chính sách mua bán điện trực tiếp…
Các nhiệm vụ trên nhằm mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ trường hợp nào; không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện phải chủ động nguồn, lưới điện.
Theo Bộ Công thương, quý I/2024, sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 69 tỷ kWh, tăng hơn 11,7% so cùng kỳ năm 2023, vượt con số dự báo của bộ (tăng khoảng 9,6%).