Minh Anh ·
28 tuần trước
 9151

Loạt cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai thiếu giấy phép môi trường

Việc chăn nuôi phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường mà không có biện pháp để thu gom xử lý gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh. Khi chính quyền và các cấp ban ngành vào cuộc thì nhận thấy sai phạm và tiến hành xử phạt những trang trại chăn nuôi heo vi phạm.

Trước tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục liên quan đến môi trường, ngày 13/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ngày 19/9, Sở TN-MT Tỉnh Đồng Nai đã ban hành Công văn số 7529 báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý các trại chăn nuôi gia công chưa có thủ tục môi trường.

Theo đó, kết quả kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thực hiện đến đầu tháng 10/2023 cho thấy hơn 1.000 cơ sở chăn nuôi trong phạm vi quản lý của các cấp huyện, có hơn 700 cơ sở chưa được cấp phép môi trường và xác nhận đăng ký môi trường.

Trong số này, có 328 cơ sở chăn nuôi đã ký hợp đồng nuôi gia công với các công ty lớn như Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Đồng Nai và Công ty TNHH Sunjin Vina, nhưng vẫn chưa được cấp thủ tục môi trường cần thiết.

ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Bên cạnh đó, có hơn 6.600 cơ sở chăn nuôi hộ gia đình cũng chưa được cấp giấy phép môi trường và xác nhận đăng ký môi trường. Hầu hết trong số này là các trang trại quy mô nhỏ, số lượng heo từ 1-30 con, gà vịt từ 5-500 con nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, thay vào đó, chất thải được các hộ gia đình sử dụng nước thải làm phân bón cho cây trồng và tưới cây.

Kiểm tra thực tế còn cho thấy rằng, một số địa phương có dấu hiệu của dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, có 5 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động mà không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, 31 cơ sở đã hết thời hạn sử dụng đất, 22 cơ sở chăn nuôi đã bắt đầu hoạt động nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng chuồng trại và các công trình bảo vệ môi trường.

Cho đến thời điểm này, các cơ quan có thẩm quyền tại Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt 164 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường, với tổng số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động có thời hạn 14 cơ sở chăn nuôi quy mô cấp huyện. 941 cơ sở chăn nuôi,  hộ chăn nuôi ngừng hoạt động do chưa đáp ứng các quy định về môi trường. Yêu cầu tạm ngừng hoạt động đối với 328/469 cơ sở và hộ gia đình nuôi gia công do chưa có thủ tục môi trường.

Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đang lên lộ trình di dời và ngừng hoạt động cho 355 cơ sở chăn nuôi trong năm 2023. Tuy nhiên, một số địa phương đang triển khai chậm di dời, như huyện Vĩnh Cửu không thực hiện di dời cho bất kỳ cơ sở nào trong tổng số 100 cơ sở, huyện Trảng Bom mới di dời 6 trong số 36 cơ sở.

Tháng 2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi cần phải di dời và ngừng hoạt động. Hầu hết trong số này là các nông hộ hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, đã bày tỏ quan điểm rằng việc di dời và ngưng hoạt động cần phải được xem xét một cách thận trọng và phải có lộ trình rõ ràng do ảnh hưởng tới việc làm ăn của hang nghìn người chăn nuôi. Đặc biệt là những cơ sở đã đầu tư một lượng tiền lớn và cũng có ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thịt heo, gà trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới.

Phía UBND tỉnh Đồng Nai đã nêu rõ rằng bốn công ty lớn đã ký hợp đồng với các cơ sở chăn nuôi là những công ty chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực chăn nuôi ở Đồng Nai. Do đó, khi hợp tác nuôi gia công với các cơ sở, hộ chăn nuôi, hộ chăn nuôi cần tuân thủ đầy đủ các điều kiện về môi trường. Đồng thời, xem xét xử phạt cả các doanh nghiệp và cơ sở gia công nếu có sai phạm. Đối với việc di dời các cơ sở chăn nuôi, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ, cùng Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức giám sát để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tránh tạo ra “cú sốc” đối với người chăn nuôi.

Trên cơ sở kết quả này, Sở TN-MT đề nghị UBND các huyện khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty nêu trên mà không có thủ tục môi trường (gồm giấy phép môi trường quy mô cấp huyện, báo cáo đánh giá tác động môi trường quy mô cấp tỉnh); tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện tại hội nghị tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh dự kiến tổ chức cuối tháng này.

Được biết, Đồng Nai hiện có 1457 cơ sở chăn nuôi tập trung và 22.298 cơ sở chăn nuôi hộ nhỏ lẻ với 2 loại chính là heo và gà với tổng đàn heo là 2,5 triệu con còn gà là 26 triệu con.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6939325286127168