Tạ Nhị ·
1 năm trước
 7161

Phát huy giá trị giấy phép môi trường

Giấy phép môi trường (GPMT) là một công cụ quản lý môi trường (MT) quan trọng, đồng thời cũng đem lại giá trị kinh tế to lớn cho chủ thể được cấp loại giấy phép (GP) này.

Cần ưu tiên những chủ thể có giấy phép môi trường

Quy định về GPMT là một nội dung mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), đây là một loại Giấy phép vừa có giá trị pháp lý về bảo vệ môi trường (BVMT), vừa đem lại lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân được cấp GP. Nhận diện rõ giá trị kinh tế của GPMT là điều hết sức cần thiết để Nhà nước có chính sách quản lý loại GP này một cách hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu BVMT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa.

Về một số kiến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định về GPMT, đại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý GPMT, có cơ chế chính sách phù hợp để phát huy giá trị về mặt pháp lý và giá trị kinh tế của GPMT, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Pháp luật cần quy định mở rộng thêm một số lĩnh vực kinh doanh chỉ dành riêng cho chủ thể có GPMT để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho các chủ thể này cũng như bảo đảm yêu cầu về BVMT, đó là lĩnh vực thu mua phế liệu, phá dỡ máy móc thiết bị không có chứa chất thải nguy hại.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải phân tích, đánh giá được hiện trạng các thành phần môi trường, sự tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường một cách khách quan để từ đó đánh giá đúng sức chịu tải của môi trường, làm cơ sở cho việc cấp giấy phép môi trường được hợp lý nhất, đáp ứng một cách hiệu quả về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc tích hợp các nguồn phát thải chung vào một giấy phép có nhiều ưu điểm, nhưng để tránh bất cập, cần có thêm văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể số lượng chất thải (đặc biệt là khí thải) đối với từng thiết bị xả thải. 

Bên cạnh đó, nên có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn cho các địa phương về các vấn đề: Phân định nhóm dự án thực hiện báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM); đánh giá sơ bộ tác động môi trường, mỗi dự án đầu tư lập ĐTM; phân định rõ tiêu chí xác định nội thành, nội thị làm cơ sở xác định dự án có yếu tố nhạy cảm môi trường; hướng dẫn chi tiết các quy định khuyến khích việc tái tạo sử dụng chất thải rắn và nước thải.

Chú trọng vấn đề hậu kiểm

Bàn về vấn đề hậu kiểm, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó trưởng Ban Chính sách luật sư, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề xuất, thủ tục cấp GPMT cần có hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn ở các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, gặp vướng mắc. Đồng thời, kết hợp cả việc tiền kiểm và hậu kiểm trong quá trình cấp giấy phép môi trường thay vì chỉ thực hiện việc tiền kiểm như hiện nay. Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng GPMT.

Đồng quan điểm, theo LS Đặng Phương Chi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, quy định pháp luật cần có những điều kiện, tiêu chí chung để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT. Cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT căn cứ vào tình hình thực tiễn, đưa ra các điều kiện, yêu cầu liên quan, phù hợp với mục đích, quy mô dự án của chủ đầu tư, cơ sở sản xuất khi xin cấp GPMT.

Việc đưa ra các điều kiện, tiêu chí, yêu cầu phù hợp sẽ giúp các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất hoàn thành yêu cầu nhanh hơn và hạn chế được việc hồ sơ bị trả lại. Và khi nộp hồ sơ, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chi tiết, làm cơ sở để cấp giấy phép môi trường cho chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất.

Một trong những giải pháp hạn chế phát sinh tiêu cực trong quá trình cấp GPMT là khuyến khích các chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp GPMT bằng bản điện tử. Trong thời gian tới đây, cùng với nâng cao hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ quan quản lý cần nghiên cứu ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc thu phí thẩm định cấp GPMT. Những việc làm này sẽ góp phần tăng cường sự giám sát của các cơ quan nhà nước, của người dân, doanh nghiệp; giảm tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu và giúp chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất tiết kiệm chi phí.