Tạ Nhị ·
1 năm trước
 6934

Loạt dự án giao thông trọng điểm khởi công trước 30/6

Thủ tướng chỉ đạo cao tốc trục ngang gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM) cần khởi công trước 30/6.

Ảnh minh họa.

Khởi công 5 dự án trọng điểm trước 30/6

Tại buổi họp phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công trước ngày 30/6 đối với nhóm dự án đã duyệt dự án đầu tư, gồm 3 cao tốc trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM).

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài trên 188 km, đi qua 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h với tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Cụ thể, Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư dự tính hơn 9.900 tỷ đồng. Dự án thành thành phần 4 trên địa bàn 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.

Dự án Cao Tốc Biên Hòa Vũng Tàu (Ký hiệu CT 28) là tuyến đường có chiều dài 77.6 km (tuyến cao tốc 66km, tuyến đô thị 2,8 km, tuyến quy mô 8,8km). Thiết kế tiêu chuẩn cao tốc loại A, tốc độ 100 – 200 km/h với 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư hơn 19,012 tỷ đồng. Hình thức đầu tư Công Tư (PPP). Khởi công Q1/2021 và hoàn thành năm 2025.

Tổng diện tích đất dùng để xây dựng cao tốc 588.5 hecta. Chia làm 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy (sông), 4 cầu vượt đường ngang & 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc.

Cụ thể, Dự án Cao Tốc Biên Hòa Vũng Tàu sẽ chạy song song với QL51 với 2 điểm nối:

Điểm đầu nối với đường tránh Biên Hòa: Đi qua Võ Nguyên Giáp, đi qua Phước Tân, Tam Phước, An Phước, Long Đức, Lộc An, Long An, Long Phước, Phước Thái,  Tân Hiệp, Phước Bình thuộc tỉnh Đồng Nai

Điểm cuối nối với đường vành đai Bà Rịa: Đi qua Mỹ Xuân, Hắc Dịch,Tóc Tiên, Châu Pha (thị xã Phú Mỹ), Tân Hưng, Hòa Long, Long Tâm, Long Toàn, Long Điền, An Ngãi điểm cuối là nút giao thông Ông Từ thuộc Phường 12, thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu được chia làm 4 phân đoạn:  Đoạn Biên Hòa – Long Thành có quy mô: 4 làn xe; Đoạn Long Thành – Tân Hiệp: 6 làn xe; Đoạn Tân Hiệp – Phú Mỹ: 6 làn xe; Đoạn Phú Mỹ – nút giao Quốc lộ 56: 4 làn xe

Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, chạy qua địa phận một số huyện của 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng trên 31km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe, chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, phê duyệt dự án thành phần 1, Bộ GTVT chủ quản dự án thành phần 2, tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 3.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm: hơn 103km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TƯ tham gia dự án khoảng 28.173 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 28.193 tỷ đồng. Vốn BOT khoảng 29.447 tỷ đồng.

Riêng dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56.536 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TƯ khoảng 18.313 tỷ đồng; Ngân sách địa phương khoảng 8.776 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư huy động là 29.447 tỷ đồng.

Vành đai 3 TP HCM dự kiến dài 76 km (đoạn qua TP HCM 47,5 km; Đồng Nai 11 km; Bình Dương 10,7 km; Long An 6,8 km), quy mô 4 làn xe, tốc độ 80 km/h; bề rộng mặt cắt ngang 19,75 m. Các đoạn qua khu đô thị, dân cư sẽ có đường song hành, mỗi bên 2-3 làn xe. Tiến độ thực hiện dự án 2022-2027.

Đối với nhóm dự án đang thi công, trong đó 3 dự án cao tốc dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30.4 (gồm Mai Sơn - QL45; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo), Bộ GTVT phải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp" để kịp đưa vào khai thác đúng tiến độ.

Thủ tướng cũng lưu ý nhiều công trình, dự án vẫn chậm tiến độ, nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để chọn được nhà thầu có năng lực thực sự. Bộ GTVT khẩn trương xem xét, giao chủ đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành đảm bảo tiến độ hoàn thành đồng thời với sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được giao. Riêng dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, xem xét lại mức đầu tư.

Hướng tới đa mục tiêu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định đầu tư công là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có các công trình, dự án giao thông.

Các công trình này hướng tới đa mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện khó khăn; thực hiện mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công; chống lãng phí, tiêu cực, dàn trải, kém hiệu quả trong huy động nguồn lực và đầu tư; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là vùng có dự án; tạo không gian phát triển mới về đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ…

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả quan trọng trong thực hiện các dự án. Tuy nhiên, nhiều công trình, dự án vẫn chậm tiến độ. Do đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm rồi, cần quyết tâm cao hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hiện nay thời tiết đang rất thuận lợi cho thi công xây dựng, do vậy các bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc, có trách nhiệm trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai các nhiệm vụ; thúc đẩy thi công đồng loạt các dự án từ Bắc tới Nam, trên 6 vùng kinh tế - xã hội để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong đó có các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế - xã hội; biến chủ trương, đường lối thành kết quả cân đo đong đếm được, người dân nhìn thấy được và thụ hưởng thành quả.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết về thủ tục các dự án; tổng hợp các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất lúa, đất rừng, cơ chế, chính sách và các ưu đãi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.

Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác công tư để đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước; vốn Trung ương và địa phương, vốn đầu tư công trung hạn và vốn tiết kiệm chi, tăng thu, vốn vay, vốn ngắn hạn và dài hạn….

Các địa phương chủ động, linh hoạt xử lý các vấn đề theo thẩm quyền, nhất là nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng trên tinh thần nghiêm túc triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.