Mới đây, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (MCK: NBB, sàn HoSE) đã công bố BCTC tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 với mức lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, so với báo cáo tự lập giảm tới 87% (hơn 8 tỷ đồng).
Theo giải trình, lý do khiến lợi nhuận sau thuế "bốc hơi" nhiều như vậy là do công ty phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và trích thêm lãi chậm nộp thuế.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Năm Bảy Bảy cũng giảm 85% so với năm 2022. Đồng thời, doanh thu thuần đạt 293 tỷ đồng, so với năm ngoái cũng giảm 37%.
Theo NBB, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này chủ yếu đến từ việc hoàn trả mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại Carina của một số đơn vị trong giai đoạn đầu năm 2023 khiến sụt giảm doanh thu mảng kinh doanh này.
NBB cho hay, về việc doanh thu tài chính gấp 2,3 lần năm trước lên mức gần 323 tỷ đồng, doanh thu chủ yếu đến từ chuyển nhượng quyền tham gia phát triển khu đất tại phường 16, quận 8, TP.HCM với số tiền 150 tỷ đồng.
Liên quan đến khu đất tại phường 16, ngày 26/03/2024, HĐQT NBB đã thông qua việc thế chấp/cầm cố các tài sản của Công ty, các chi nhánh và đơn vị thành viên để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính liên quan đến khoản vay tại Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), bao gồm khu đất tại phường 16 và một số tài sản khác như: quyền sử đất tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM; toàn bộ tài sản và quyền tài sản phát sinh từ dự án khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi; và số dư và quyền tài sản phát sinh trên tài khoản của NBB tại HDBank.
Vào tháng 12/2023, HĐQT NBB đồng ý chuyển nhượng 30% quyền tham gia đầu tư và chia lợi nhuận hợp tác đầu tư phát triển khu đất tại phường 16, quận 8, TPHCM cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã CII) mục đích là để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ở thời điểm 31/12/2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận tổng nợ vay tăng 16,3% so với đầu năm, lên 3.640,4 tỷ đồng và chiếm 53% tổng nguồn vốn. Trong đó, NBB đang phát sinh các khoản vay tại các Ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam với giá trị 897,1 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với giá trị 685,99 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam với giá trị 507,2 tỷ đồng …
Việc BCTC trước và sau kiểm toán có sự chênh lệch có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên phần lớn là do các công ty phải điều chỉnh lại việc ghi nhận doanh thu trong năm, cùng với đó điều chỉnh giá vốn hàng bán hoặc bất cứ loại chi phí nào đó.
Ở góc nhìn đầu tư chứng khoán, BCTC là một trong những tài liệu quan trọng nhất để làm căn cứ đánh giá về bức tranh tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp, xác định giá trị cổ phiếu trước khi ra quyết định của nhà đầu tư, đặc biệt là với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp bị hạn chế.
Tình trạng trên gây cho nhà đầu tư sự hoang mang, trong khi hiện tại niềm tin cho thị trường vốn đã lung lay. Vì thế, nếu điều này tiếp tục xảy ra, dù là hữu ý hay vô tình cũng dẫn đến rủi ro dần gây mất niềm tin đối với nhà đầu tư.
Từ đó có thể dẫn đến hiện tượng bán tháo cổ phiếu, hoặc dòng tiền không mua vào. Nếu vậy, thị giá cổ phiếu giảm mạnh, sức hấp dẫn của doanh nghiệp giảm. Sau này khi doanh nghiệp muốn phát hành mới sẽ rất khó khăn, bởi nhà đầu tư hiện hữu đã không muốn mua thì nhà đầu tư mới chưa chắc đã muốn mua.
Chính vì thế, theo chuyên gia, doanh nghiệp phải có cái nhìn xa hơn. Đã là doanh nghiệp niêm yết dù sớm dù muộn thì sẽ có nhu cầu huy động vốn. Thế nên, tính minh bạch phải rõ ràng, thống nhất. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng phải hết sức thận trọng và coi trọng báo cáo tài chính.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7611875328872157/?