Tính đến ngày 18/10, đã có 7 doanh nghiệp ngành bia đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Trong đó, kết quả không mấy khả quan khi lượng tiêu thụ bia giảm do người dân thắt chặt chi tiêu.
Một báo cáo phân tích hồi tháng 9 của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã dự báo, trong thời gian tới sức cầu tiêu thụ bia rượu chưa thể trở lại mạnh mẽ do viễn cảnh kinh tế cả trong nước và quốc tế vẫn chưa quá khởi sắc.
Trung Quốc là quốc gia chiếm đến 31% tổng lượng khách nước ngoài tại Việt Nam (2019), hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn về chi tiêu nội địa, cũng có nghĩa là khó có thể trông chờ nhiều vào sức cầu từ du lịch.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý III/2023 cho thấy, phần lớn lợi nhuận doanh nghiệp ngành bia đều sụt giảm chẳng hạn: CTCP Habeco - Hải Phòng (Mã: HBH) giảm 77%, CTCP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (Mã: BSQ) giảm 67%, CTCP Thương mại Bia Hà Nội (Habeco Trading - Mã: HAT) giảm 50%....
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong 7 đơn vị đã công bố báo cáo tài chính, dẫn đầu về quy mô doanh thu là Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi với 423 tỷ đồng. Sau khi trừ hết đi chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 15 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi đạt 1.359 tỷ đồng doanh thu và 78 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm lần lượt 5%, 55% so với cùng kỳ). Có thể thấy, sau ba quý, công ty đã thực hiện được 81% kế hoạch lợi nhuận năm (96 tỷ đồng) đặt ra.
Tương tự, dù đã cắt giảm các chi phí trong trong kỳ nhưng lợi nhuận CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (Mã: SMB) và CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Mã: THB) cũng “đi xuống” trong bối cảnh doanh thu suy giảm.
Bên cạnh đó, mặc dù Habeco Trading và CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (Mã: HAD) đều có doanh thu tăng trưởng thế nhưng trước áp lực của giá vốn, lợi nhuận vẫn suy giảm.
Trong danh sách công ty bia đã công bố báo cáo tài chính thì có lợi nhuận giảm sâu nhất là Habeco - Hải Phòng. Quý III/2023, công ty này ghi nhận 55 tỷ đồng doanh thu (giảm 27% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế giảm 67% (xuống 737 triệu đồng).
Công ty cho hay, kết quả kinh doanh không mấy tươi sáng là do sản lượng bia giảm. Theo đó, sản lượng sản xuất giảm 21%, sản lượng tiêu thụ giảm 26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu chính như giá malt, gạo, đường tăng mạnh cũng làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Trong bối cảnh thị trường bia gặp nhiều khó khăn, CTCP Bia Hà Nội - Quảng Bình (Mã: BQB) là doanh nghiệp hiếm hoi có doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu thuần tăng gấp 2,4 lần (lên 19 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt 3 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 36 triệu đồng do kinh doanh dưới giá vốn. So với kỳ trước, các chi phí không thay đổi nhiều giúp công ty báo lãi hơn 1 tỷ đồng, quý III/2022 lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Bloomberg cho biết trong một bài đăng mới đây rằng kinh tế Việt Nam khó khăn cũng tác động đến một khía cạnh ít ai nghĩ đến đó là thói quen uống bia của người Việt. Nước ta dẫn đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia và xếp thứ 9 toàn cầu. Do đó, việc các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng nhất định đến ngành sản xuất bia trong nước và cả các thương hiệu nước ngoài. Bloomberg cho hay, việc người Việt uống bia ít hơn đã ngay lập tức tác động tới những thương hiệu lớn. Heineken có trụ sở tại Amsterdam và cũng là nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam đã hạ dự báo doanh thu năm 2023. Công ty xác nhận hơn một nửa mức giảm tiêu thụ của hãng trong nửa đầu năm đến từ thị trường Việt Nam và Nigeria. Giám đốc điều hành Dolf van den Brink trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg cho biết, có sự sụt giảm khá mạnh tại thị trường trọng điểm Việt Nam. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6970796402980056/?