Ngọc Lan ·
1 năm trước
 8790

Luật Đất đai (sửa đổi) cần giải quyết vướng mắc trong thực hiện giao đất dịch vụ

Trước những vướng mắc đã tồn tại, kéo dài nhiều năm, ý kiến ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải pháp giải quyết ngay vướng mắc trong thực hiện giao đất dịch vụ, trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Vướng mắc khi giao đất dịch vụ

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách diễn ra ngày 30/8, xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Một trong những vấn đề trọng tâm trong Báo cáo Dụ án Luật Đất đai (sửa đổi) được các ĐBQH quan tâm, thảo luận tại hội nghị là vấn đề giao đất, thu hồi đất.

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phản ánh, trên địa bàn huyện Quốc Oai, TP Hà Nội hiện có 15 dự án thực hiện thu hồi đất nông nghiệp của người dân trong giai đoạn từ năm 2006 đến tháng 1/2009.

Người dân được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm theo quy định tại Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, Quyết định số 19.081.098 ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây và Quyết định số 18 ngày 29/9/2008 của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm có tồn tại, vướng mắc chưa giải quyết được.

Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đó, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất bằng việc giao đất dịch vụ để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, nếu không có đất thì hỗ trợ bằng tiền, đối với hộ gia đình bị thu hồi đất từ 30% trở lên.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1098 ngày 28/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tây và Quyết định số 18 ngày 29/9/2008 của UBND TP Hà Nội, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc thực hiện theo cách: hỗ trợ tiền và được hỗ trợ bằng đất dịch vụ đối với hộ gia đình chỉ bị thu hồi đất từ 10% trở lên.

Hiện nay, UBND huyện Quốc Oai đã tạm thu tiền và tạm giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân được hưởng đất dịch vụ của 15 dự án nêu trên.

Đại biểu Lê Nhật Thành cho biết, chính sách của tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội qua các thời kỳ là không phù hợp với chính sách của Chính phủ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có giải pháp giải quyết vướng mắc trong thực hiện giao đất dịch vụ trong Luật Đất đai lần này.

Trong khi đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu thực trạng, có nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng chưa sử dụng đất theo đúng tiến độ dẫn đến lãng phí nguồn lực về đất đai. Để khắc phục thực tế này, đề nghị dự thảo Luật quy định rõ ràng, cụ thể hơn để các nhà đầu tư không có cơ hội lợi dụng chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư.

Mặt khác, dự thảo Luật quy định khi hết thời gian theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng đất không quá 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Đây là nội dung mới so vào Luật Đất đai năm 2013 nhằm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng sẽ vướng mắc trong trường hợp nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng, không có cơ chế trong việc xử lý tài sản trên đất. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu căn cứ quy định của Luật Đầu tư để thống nhất trong quá trình thực hiện, có cơ chế cho xử lý tài sản trên đất nếu không hoàn thành việc xây dựng dự án đầu tư.

Tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách

Thảo luận, góp ý về giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tránh trục lợi chính sách trong giao đất, thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai góp ý, cần cân nhắc quy định tại Điều 127 theo hướng chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Công Long nhận định, UBTVQH đã có Báo cáo số 104/BC-UBTVQH15 ngày 01/01/2022, nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thất thoát NSNN. Do đó, cần giữ nguyên quy định theo ý kiến của UBTVQH.

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, vận dụng Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại, đề nghị có sự phân biệt rõ giữa thu hồi đất và thỏa thuận, vì tính chất của 2 việc này là hoàn toàn khác nhau, trong đó cân nhắc kỹ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, quy định tại Điều 127 của dự thảo Luật cần theo hướng chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Hiện nay cả 2 phương án trong dự thảo Luật quy định đều chưa bảo đảm chặt chẽ.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra. Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.

Theo đó, Điều 79 của dự thảo Luật cần quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện thỏa thuận theo Điều 127. Đại biểu cho rằng, 2 phương án tại Điều 127 chưa thực sự rõ ràng và thỏa đáng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm nguyên tắc đối với việc thu hồi đất bắt buộc…

Bên cạnh đó, ý kiến đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, cần quy định cụ thể vấn đề thu hồi đất đối với các dự án bị tắc nghẽn. Tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Các văn bản dưới Luật cần có quy định cụ thể nội dung này.