Lan Anh ·
3 năm trước
 2293

Luật sư nói gì về trách nhiệm trả nợ lương cho công nhân Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội?

Nhiều công nhân rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn vì công công ty Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội nợ lương nhiều tháng ròng. Vậy trên góc độ pháp lý, việc giải quyết nợ lương được thực hiện giữa công ty và người lao động như thế nào?

Câu chuyện về công nhân vệ sinh môi trường Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội bị nợ lương nhiều tháng ròng đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Đáng buồn là câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết. Công nhân vẫn đang phải mòn mỏi đi "đòi" lại khoản tiền mồ hôi nước mắt của mình, trong khi cuộc sống hàng ngày vẫn phải trang trải.

Nhiều công nhân rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn, phải đi vay lãi để xoay sở qua ngày. Báo chí cũng đã tìm hiểu và nói chuyện với Ban lãnh đạo công ty. Như bài viết Công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội: Bị nợ lương cho tới khi nào? đã phản ánh, thì ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội hiện tại, đã trao đổi với báo chí rằng ông không có trách nhiệm với khoản lương còn nợ công nhân, hãy để công an vào cuộc.

Với thông tin trên, rất nhiều công nhân hoang mang không biết khi nào mình sẽ được trả số tiền lương mà công ty còn nợ.

Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.

Nói về vấn đề này, Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong trường hợp này, mối quan hệ là giữa người lao động với công ty, và phần nợ lương là của công ty chứ không phải của bất cứ ông giám đốc nào. Cho nên việc giải quyết nợ lương được thực hiện giữa công ty và người lao động”.

Vị luật sư lưu ý, người lao động cần yêu cầu giám đốc mới triệu tập giám đốc cũ để ký xác nhận về việc nợ lương và cam kết thời gian trả lương. Đến thời điểm cam kết mà không trả thì sẽ phục hồi thời hiệu của vụ việc. Ngoài ra, người lao động cũng cần khởi kiện về việc bị nợ lương.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hà Đông nói: “Hiện chúng tôi chưa nhận được đơn thư của người lao động. Nếu có đơn phản ánh chúng tôi sẽ vào cuộc”.

Ông Đào Quang Huy, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hà Đông cũng ghi nhận thực tế trên. Ông cho biết thêm, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội có công đoàn cơ sở, nhưng không có hoạt động, cũng không đóng đoàn phí.

Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, giám đốc và địa điểm làm việc của công ty thay đổi liên tục. Nhiều lần LĐLĐ quận Hà Đông xuống công ty làm việc nhưng không gặp được giám đốc, các thành viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cũng không còn làm việc ở đó.

Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hà Đông thông tin: “Cuối năm ngoái, chúng tôi có nhận được nhiều đơn khiếu nại về việc công ty này nợ lương, nợ BHXH. Sau khi nghiên cứu nội dung, căn cứ các quy định của pháp luật, quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; chúng tôi đã gửi các phiếu chuyển đơn đến lãnh đạo công ty nhưng không bao giờ nhận được hồi âm. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.