Bích Ngọc ·
43 tuần trước
 6358

Một doanh nghiệp thông báo đã tất toán toàn bộ gốc và lãi của hai mã trái phiếu với mệnh giá 700 tỷ đồng

Mới đây, CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX – sàn HoSE) đã có thông báo kết quả tất toán gốc, lãi trái phiếu đáo hạn.

Theo đó, ngày 29/5/2023 là ngày đáo hạn hai mã trái phiếu. Trong đó, trái phiếu mã GEX_BOND_A_2020 với mệnh giá 500 tỷ đồng, GEX thanh toán toàn bộ gốc 500 tỷ đồng và lãi 16,1 tỷ đồng; trái phiếu mã GEX_BOND_B_2020 với mệnh giá 200 tỷ đồng, Công ty cũng thanh toán toàn bộ gốc 200 tỷ đồng và lãi 8,9 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Như vậy, Gelex đã tất toán đúng kỳ hạn hai mã trái phiếu với tổng mệnh giá 700 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, hầu hết các mảng sản xuất kinh doanh của Gelex trong quý I/2023 đều bị ảnh hưởng, kết quả  ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thiết bị điện và vật liệu xây dựng. Tuy vậy, mảng năng lượng và nước sạch hoạt động vẫn ổn định, so với cùng kỳ năm 2022 tăng trưởng 24%.

Bên cạnh đó, tỷ trọng doanh thu quý I/2023 vẫn tiếp tục duy trì cân bằng giữa mảng thiết bị điện và các mảng còn lại, tương tự cơ cấu doanh thu cả năm 2022. So với cơ cấu cả năm 2022, tỷ trọng mảng VLXD trên tổng doanh thu giảm vì mảng VLXD trong Quý I bị ảnh hưởng mạnh bởi giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp BĐS thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…

Gelex có lợi nhuận gộp quý đầu năm 2023 đạt 1.269 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp vẫn đạt mức 20%, so với các quý trước không biến động nhiều và tương đương mức trung bình cả năm 2022.

Nhìn vào số liệu từ báo cáo tài chính có thể thấy, trong quý I lợi nhuận trước thuế cũng có sự sụt giảm, đạt 144 tỷ (tương đương 11% kế hoạch năm).

Ghi nhận tại ngày cuối cùng tháng 3 năm 2023, Gelex có tổng tài sản của đạt 52.619 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm tăng 0,4%. Cơ cấu tài sản và nguồn vốn ổn định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/6, cổ phiếu GEX tăng 1.050 đồng (lên 16.500 đồng/cổ phiếu).

Đỉnh điểm 35.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng này

Trong tháng 6/2023, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng, trong khi theo công bố của HNX danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn tiếp tục tăng lên.

Tính tới ngày 23/5, nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu theo thông báo của HNX có khoảng 62 doanh nghiệp.

Theo VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 157,71 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường).

Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán chiếm 11,3% dư nợ toàn hệ thống.

Theo VNDirect  ước tính, sẽ có khoảng hơn 35,53 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong tháng 6, so với tháng 5 tăng gấp đôi (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/5/2023).

Bên cạnh đó, khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm nay (chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm).

Trong nửa cuối năm áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp là rất lớn. Trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt là: 26.564 tỷ đồng, 33.746 tỷ đồng và gần 41.000 tỷ đồng… Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn lên đến gần 82.000 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023 khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 290.000 tỷ đồng, lớn nhất là trong đó quý 3 với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng. Tuy vậy, về thanh khoản và dòng tiền, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay.

Tạ Ngọc