Thành Vũ ·
1 năm trước
 9484

Một số vấn đề môi trường tại làng nghề hiện nay

Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay đã được khôi phục, đầu tư phát triển với quy mô và kỹ thuật cao hơn, hàng hóa không những phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn cho đáp ứng nhu cầu ở một số tỉnh với giá trị lớn. Tuy nhiên, một trong những thách thức đang đặt ra đối với các làng nghề là vấn đề môi trường và sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động sản xuất của các làng nghề.

Thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề

Môi trường trong lành là một yếu tố vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết đối với mỗi con người, mỗi quốc gia. Nhân loại ngày nay càng ngày càng ý thức một cách sâu sắc hơn về mối quan hệ tương hỗ giữa các hoạt động nhằm phát triển kinh tế cộng đồng và môi trường thiên nhiên. Một quốc gia, một khu vực không thể phát triển cường thịnh nếu không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường không coi bảo vệ môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững của mình.

Hiện nay Việt Nam cũng không tránh khỏi việc phải đối mặt với các vấn đề môi trường nan giải, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề đang thu hút được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Xuất phát từ thực tiễn, vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xẩy ra ở các dạng phổ biến sau đây:

Ô nhiễm nước. Ở Việt Nam, các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước chủ yếu là quá trình xử lý công nghiệp như: chế biến lương thực thực phẩm, mây tre, dệt, in, nung nấu kim loại, tẩy giấy và nhuộm… Thường thì nước thải ra bị nhiễm màu nặng và gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu;

Ô nhiễm không khí gây bụi, ô nhiễm mùi, ô nhiễm tiếng ồn và nóng do sử dụng than và củi chủ yếu trong sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất gốm sứ;

Ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu (giấy, nhựa, kim loại…) hoặc do bã thải của các loại thực phẩm (sắn, dong), các loại rác thải thông thường: nhựa, túi nilon, giấy, hộp, vỏ lon, kim loại và các loại rác thải khác thường được đổ ra bất kỳ dòng nước hoặc khu đất trống nào. Làm cho nước ngầm và đất bị ô nhiễm các chất hóa học độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Ảnh minh họa.

Các làng nghề có nguy cơ lâm vào tình trạng suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như do bế tắc về thị trường, do bị cạnh tranh, do thiếu vốn để cải tiến sản xuất, gây ô nhiễm môi trường …

Do sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất, việc khai thác và cung ứng các nguyên liệu tại chỗ hay các vùng khác trong nước đang dần bị hạn chế.

Các làng nghề chế biến gỗ, mây tre đan trong những năm qua đòi hỏi cung cấp một khối lượng nguyên liệu rất lớn, đặc biệt là các loại gỗ quý dùng cho sản xuất đồ gỗ gia dụng và gỗ mỹ nghệ. Nhiều nguyên liệu chúng ta đã phải nhập từ một số nước khác. Sự khai thác bừa bãi, không có kế hoạch đã làm cạn kiệt tài nguyên và gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Việc sơ chế các nguyên liệu chủ yếu do các hộ, các cơ sở sản xuất tự làm với kỹ thuật thủ công hoặc các máy móc thiết bị tự chế lạc hậu.

Do đó, chưa khai thác hết hiệu quả của các nguyên liệu, gây lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, các làng nghề hiện nay nhìn chung đều gặp khó khăn về mặt bằng cho sản xuất. Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là việc sử dụng luôn nhà ở làm nơi sản xuất. Các cơ sở sản xuất lớn thì thường chỉ có lán che lợp xi măng, rơm rạ, lá mía, căng bạt… mang tính chất tạm bợ. Các bãi tập kết nguyên liệu, kể cả các bãi, kho chứa hàng gần khu dân cư, tạm bợ, không đúng tiêu chuẩn môi trường. Vì thế để giải quyết những khó khăn này, cần có cái nhìn tổng quan về làng nghề và gắn với thực trạng kinh tế xã hội trong nước và thế giới nói chung.

Quản lý bảo vệ môi trường tại làng nghề

Trong những năm gần đây, môi trường làng nghề đang nổi lên như một vấn đề nóng hổi, cấp bách. Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng lên, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Nhận thức được vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó quy định vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề.

Ở góc độ văn bản qui phạm pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường các năm 2005, 2014, 2020 và hàng loạt văn bản dưới luật đã nêu trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác BVMT làng nghề từ trung ương đến địa phương. Một số địa phương có làng nghề cũng chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan nhằn cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ở địa phương mình.

Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra các điều kiện bảo vệ môi trường đối với làng nghề, các cơ sở sản xuất tại làng nghề, cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường làng nghề,

Cụ thể, Điều 56 về bảo vệ môi trường làng nghề quy định, làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, hạ tầng bảo vệ môi trường (bao gồm hạ tầng thu gom nước thải, chất thải rắn).

Các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

UBND cấp xã chịu trách nhiệm lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề. Trong khi đó, UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề và chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

UBND cấp tỉnh sẽ đứng ra quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn. Cấp tỉnh phải đứng ra chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề. Bên cạnh đó, có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.

Các vấn đề trong về bảo vệ môi trường làng nghề cũng được quy định rõ trong chương III của Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, đó là điều kiện về BVMT làng nghề; đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường; biện pháp quản lý đối với làng nghề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trách nhiệm thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; trách nhiệm của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề và các cơ sở trong làng nghề.

Thời gian qua, mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng thực tế triển khai công tác quản lý môi trường làng nghề vẫn đang còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến môi trường tại nhiều làng nghề hiện nay chưa thể cải thiện, có nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý môi trường tại các làng nghề.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6895863520473345/