UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28-4-2023 ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, UBND TP.Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường, 100% các làng nghề đã được công nhận trên địa bàn TP.Hà Nội được đánh giá, phân loại theo quy định.
Định hướng đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội.
Việc ban hành Danh mục nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng các giải pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.
Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như phát triển làng nghề.
Các danh mục nghề gồm: Danh mục làng nghề ô nhiễm phải xử lý, lộ trình thực hiện đến hết năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Danh mục làng nghề ô nhiễm có dấu hiệu mai một phải xử lý ô nhiễm kết hợp khôi phục sản xuất; lộ trình thực hiện đến hết năm 2025; Danh mục làng nghề có dấu hiệu chưa ô nhiễm, cần tiếp tục kiểm soát chất lượng môi trường; Danh mục làng nghề mai một cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi "Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống" của UBND TP, lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.
Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.
Đặc biệt, có 19 làng nghề phải di dời cơ sở sản xuất hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực làng nghề như: Làng nghề đồ mộc Hữu Bằng (Thạch Thất); Làng nghề nón lá thôn Động Giã (Thanh Oai); Làng nghề mây tre đan, mộc ở thôn Phù Yên (Chương Mỹ); Làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ (Liên Trung, Đan Phượng); Làng nghề thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Giang (Ninh Hiệp, Gia Lâm); Làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức)…
Hiện thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như phát triển làng nghề. Theo đó, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố.
Để phát huy nguồn lực từ kinh tế làng nghề và bảo vệ môi trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, Sở đã tham mưu thành phố xây dựng Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2022-2030, định hướng đến năm 2040; và đề nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung, tích hợp "Đề án quy hoạch phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040" với Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050.
Ngoài ra, Sở còn tham mưu xây dựng dự thảo “Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn TP.Hà Nội năm 2023”, hiện đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Đặc biệt, Sở đã tham mưu thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2022-2025.