Thành Phong ·
1 năm trước
 6909

Quy định mới nhất về việc mua nhà ở xã hội?

Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm công bố công khai danh sách người được duyệt mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại trụ sở làm việc của chủ đầu tư và tại Sàn giao dịch bất động sản hoặc Trang thông tin điện tử về nhà ở xã hội của chủ đầu tư (nếu có).

Đây là nội dung quan trong được nêu lên trong Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BXD về việc hợp nhất Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng vừa ban hành.

Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)

Theo đó, trình tự, thủ tục thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội tại các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được quy định cụ thể như sau: Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án như: tên dự án; chủ đầu tư dự án; địa điểm; tiến độ thực hiện. Quy mô dự án; số lượng căn hộ; diện tích căn hộ; giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua (tạm tính) đối với từng loại căn hộ. Thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký.

Công bố công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng tại địa phương nơi có dự án trong thời gian tối thiểu là 30 ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại dự án.

Trên cơ sở các thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đã được công bố; hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nộp hồ sơ cho chủ đầu tư dự án theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này và hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng.

Sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ đăng ký của các đối tượng có nhu cầu, chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét từng hồ sơ đăng ký, đối chiếu với các quy định về đối tượng, điều kiện theo quy để lập danh sách đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư.

Trường hợp người có nhu cầu đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đã nộp hồ sơ hợp lệ theo quy định nhưng trong dự án không còn quỹ nhà để giải quyết thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm ghi rõ lý do và gửi trả lại hồ sơ để người đó biết và nộp hồ sơ tại dự án khác.

Khi người có nhu cầu nộp hồ sơ, người nhận hồ sơ phải ghi Giấy biên nhận. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì người nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi rõ lý do chưa giải quyết và trả lại cho người nộp hồ sơ để thực hiện việc bổ sung, hoàn thiện;

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng.

Mỗi hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được nộp giấy tờ đăng ký tại một dự án. Trong trường hợp dự án không còn quỹ nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua thì chủ đầu tư nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ để người có nhu cầu nộp tại dự án khác.

Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thanh toán trực tiếp với chủ đầu tư hoặc thực hiện thông qua ngân hàng do chủ đầu tư và người mua, thuê, thuê mua thống nhất theo thỏa thuận;

Sau khi ký Hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được danh sách này) và lưu trữ để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra (hậu kiểm).

Đồng thời, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm công bố công khai danh sách này tại trụ sở làm việc của chủ đầu tư và tại Sàn giao dịch bất động sản hoặc Trang thông tin điện tử về nhà ở xã hội của chủ đầu tư (nếu có).

Công khai minh bạch các dự án nhà ở xã hội

Để sớm mua được nhà ở xã hội, theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - công nhân lao động phải đáp lại sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp bằng tích cực lao động sản xuất, làm việc năng suất chất lượng, có thu nhập, trách nhiệm chi tiêu tiết kiệm.

Về việc hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của người dân, của những công nhân mua nhà hoặc cả chủ đầu tư. Ví dụ, 1 đơn vị tổ chức đấu thầu không tốt, gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, dự án đầu tư cũng phải có đơn vị giám sát và kiến nghị để xử lí.

“Bảo đảm tính thực thi, công khai minh bạch là rất quan trọng trong việc thực hiện dự án nhà ở cho CN. Những vấn đề trên sẽ lồng ghép, tương hỗ cho nhau để thúc đẩy, tạo thành giải pháp tổng thể để sớm có nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp” - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - cho biết, tại Hà Nội đã triển khai một số chính sách phát triển nhà ở cho công nhân như: Huy động nguồn vốn đầu tư triển khai các dự án nhà ở cho công nhân lao động từ các nguồn khác nhau (ngân sách thành phố, vốn vay ưu đãi, vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vốn của doanh nghiệp sử dụng lao động...).

Đồng thời tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động.

Tạ Nhị