Theo bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả môi trường 2022 (EPI) do Đại học Yale và Columbia thực hiện, TOP 10 Quốc Gia bao gồm các nước phát triển ở khu vực Châu Âu như Đan Mạch, Thuỵ Sỹ, Pháp, Malta, Anh, Luxambourg, Áo, Ireland, Phần Lan; và những Quốc gia này còn được gọi là Quốc gia xanh. Dễ nhận thấy, các Quốc gia này đều có trình độ kinh tế - xã hội và chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất thế giới[1]. Luận chứng một cách logic và khoa học, Quốc Gia xanh không chỉ là một đất nước mà lãnh thổ của nó phủ xanh bởi những cánh rừng, bởi môi trường thiên nhiên trong lành; mà Quốc Gia đó là đất nước của sự thịnh vượng, của sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, của một nơi mà con người có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, văn minh và được hưởng bầu không khí trong lành tinh khiết mỗi ngày.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và xếp sau rất nhiều guốc gia khác về thứ hạng kinh tế. Tuy vậy, với tư tâm thế của người đứng ở hiện tại nhưng hướng về tương lai, chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học để vui mừng và lạc quan về sự đi lên của Đất nước. Trong những năm qua, tốc độ tăng trường kinh tế của chúng ta luôn đứng trong nhóm hàng đầu thế giới. Mặc dù thế giới có nhiều biến động và sự đi xuống của nền kinh tế thế giới nói chung do hệ quả của dịch bệnh Covid 19 và chiến tranh Ukraina – Nga, nhưng theo Báo cáo[2] của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, một tỷ lệ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Trong Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh "……Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới…………Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trên nền của những thành tựu đã đạt được và quyết tâm hướng tới một tầm vóc mới trong tương lai, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt nam đồng lòng, chung ý chí đi lên bằng những hành động cụ thể. Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Ngày 25/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, đến năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Các động thái về mặt chính sách, pháp luật từ các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước như những lá cờ đã được căng lên trước gió, phấp phới trong bầu không khí lạc quan, tin tưởng và tràn đầy khát vọng đổi thay. Lá cờ đó như tiếng kèn xung trận, như tấu khúc trong bản giao hưởng chung của nhân loại, dẫn đường thuận theo xu hướng của nhân loại và đồng hành cùng nhân loại. Chúng ta đang đi những bước chân thuận theo tự nhiên, thuận theo con đường đúng mà thế giới văn minh đang đi. Không thể “trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nếu Việt Nam không đi theo con đường phát triển bền vững; và Việt nam không thể trở thành một Quốc gia xanh khi dân không cường, nước không thịnh.
Luật sư Hà Huy Phong.
Trở lại những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Phan Chu Trinh đã cho rằng, muốn canh tân đất nước, làm cho nước mạnh dân giàu, nhằm tránh bị nước ngoài đô hộ thì điều kiện quan trọng nhất là ta phải “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright “…..để Việt Nam trở thành một quốc gia cường thịnh vào năm 2045, chúng ta cần quan tâm phát triển sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia hơn nữa. Chỉ khi “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, Việt Nam mới có thể khẳng định vị thế trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc”.
Để có thể phát triển bền vững, chúng ta phải bắt tay từ giáo dục con người. Giáo dục con người trong thời đại ngày nay, là làm sao để phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, khơi dậy và phát huy tinh thần làm chủ. Giáo dục để mỗi người Việt nam đều có tinh thần làm chủ trong tự học hỏi và nâng cao trình độ, cũng như tiếp cận và lĩnh hội với cái mới tiến bộ của nhân loại; làm chủ trong sáng tạo, sáng kiến; làm chủ trong kinh doanh và xây dựng sự thịnh vượng và kinh tế; làm chủ trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; làm chủ trong yêu thương và đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau; làm chủ trong giữ gìn, nâng niu và phát huy truyền thống của dân tộc và các thế hệ đi trước. Con người Việt nam cần cù, thông minh, hiếu học và đó là những điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để tạo dựng năng lực lao động. Chúng ta cần điều kiện đủ, là một nền giáo dục đổi mới, tiên tiến và hiệu quả. Những nỗ lực cải cách nền giáo dục trong nhiều năm qua phần nào đã góp phần thay đổi và tạo ra con người Việt nam mới, nhưng cần có sự đột phá hơn nữa để có thể song hành với tốc độ thay đổi và đi lên của nền kinh tế, bối cảnh xã hội trong nước và Quốc tế. Giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà là của toàn xã hội, của toàn dân, của mỗi cá nhân và tổ chức trong cộng động. Cần thiết có sự mạnh mẽ hơn nữa, dũng cảm hơn nữa và quyết tâm hơn nữa trong những hành động cải cách và nâng cấp chương trình giáo dục để nó có thể mang hơi thở của thời đại. Cần thiết phải phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự chủ trong mỗi cơ sở giáo dục – đào tạo, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các chủ thể khác để thay đổi con người một cách toàn diện từ kiến thức, nhận thức và hành vi. Toàn dân học tập không được phép chỉ là khẩu hiệu suông mà phải là những tiêu chí cụ thể được xác định trong mục tiêu phát triển của mỗi cơ quan, tổ chức, là tiêu chí luật hoá để được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh nhiệm vụ về giáo dục là nhiệm vụ hiện thực hoá các chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành trong thời gian vừa qua về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; coi đây là giải pháp cấp thiết để củng cố và tạo lập sự bền vững cho động lực lực chính của nền kinh tế. Không thể phát triển kinh tế nếu không phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. “Không thể có đội ngũ doanh nhân phát triển nếu như điều kiện chính trị - pháp lý, môi trường kinh doanh thiếu khoa học, xơ cứng, trì trệ, xa rời thực tiễn sự vận động của nền kinh tế theo cơ chế thị trường”[3]. Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là theo quy mô mà phải là chất lượng phát triển và sức mạnh kinh tế nội tại. Mỗi doanh nghiệp phải có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình và khẳng định năng lực bằng khả năng cống hiến cho cộng đồng và nền kinh tế bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần triệt tiêu và loại bỏ mọi tác nhân xấu giúp dung dưỡng và thúc đẩy các yếu tố tiêu cực trong doanh nghiệp thông qua các hành động cụ thể về xây dựng chính sách, pháp luật, thực thi pháp luật hiệu quả. Nhà nước không chỉ xử lý các yếu tố tiêu cực trong doanh nghiệp bằng việc xử lý doanh nghiệp hay doanh nhân mà cần xử lý các tác nhân dung dưỡng, bao che tiêu cực của doanh nghiệp để từ đó xây dựng môi trường vô trùng cho cộng đồng doanh nghiệp và thải loại các doanh nghiệp kinh doanh đi ngược chiều với lợi ích của Đất nước, của nhân dân.
Với 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đã ban hành, chúng ta cần những bộ KPI (Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) một cách cụ thể để lồng ghép và làm triết lý cho công tác lập pháp và hành pháp. Các mục tiêu phát triển bền vững cần được cụ thể hoá thành các quy định pháp luật và là chỉ tiêu đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan chức năng, của bộ máy Nhà nước và cán bộ, công chức. Do đó, sự thay đổi trong công tác lập pháp là hết sức quan trọng, chú trọng kiến tạo cơ chế để khuyến khích và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thức đẩy sự hình thành và phát triển của các ngành kinh tế dịch vụ mới trong lĩnh vực môi trường; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động bảo vệ môi trường, biến hoạt động bảo vệ môi trường thành một hoạt động kinh doanh có khả năng mang lại doanh thu và lợi nhuận với các chủ thể tham gia chính là doanh nghiệp để tối ưu các nguồn lực và bổ sung nguồn động lực mới của nền kinh tế.
Để một Việt Nam mãi xanh, chúng ta không chỉ trồng rừng mà còn phải trồng người, coi trọng đúng mực vị trí của nền kinh tế thị trường và cộng đồng doanh nghiệp, cải cách công tác lập pháp và hành pháp để thiết lập hành lang pháp lý cho việc triển khải và thực hiện các “mục tiêu xanh”.
Luật sư Hà Huy Phong-Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh Tế Môi Trường Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco
Tài liệu tham khảo [1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%89_s%E1%BB%91_ph%C3%A1t_tri%E1%BB%83n_con_ng%C6%B0%E1%BB%9Di [2] https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2022/08/08/vietnam-s-economy-forecast-to-grow-7-5-in-2022-new-world-bank-report-says [3]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.167, 80, 220, 167, 54, 203, 221, 167. |