2 năm trước 4068
lang-giay-phu-lam-co-mot-noi-o-nhiem-khung-khiep-den-the--027818

Làng giấy Phú Lâm: Có một nơi ô nhiễm khủng khiếp đến thế!

Cá chết hàng loạt, rau được trồng trên mặt nước đen ngòm, xung quanh rác chất thành núi, mặt hồ thỉnh thoảng…sôi ùng ục vì phản ứng hoá học của chất thải. Đó là những gì tôi nhìn thấy ở Phú Lâm. Ấn tượng của tôi về Phú Lâm giờ chỉ toàn là chất thải ô nhiễm.


Ô nhiễm đến mức một con ruồi cũng không sống nổi

Phú Lâm là xã thuộc huyện Tiên Du, tình Bắc Ninh. Nơi đây nổi tiếng là nơi có nhiều cây cảnh đẹp và là một làng nghề về tái chế giấy. Nhưng cũng chính vì nghề tái chế giấy mà môi trường trong lành nơi đây đã bị phá hủy.

Dọc con đường vào sâu khu công nghiệp là những ngọn núi rác, những làn nước màu đen kịt, và tiếng máy nghiền giấy, khói bụi nhả ra từ những cột khói thủ công sơ sài.

Chưa kể, hàng loạt cá chết tại các hồ kể từ khi nước từ sông Phú Lâm chảy vào, rau muống được trồng trên các con mương đen kịt, thỉnh thoảng sôi lên ùng ục do phản ứng hoá học của các chất thải trộn lẫn vào nhau.

"Không 1 sinh vật nào có thể sống được tại nơi đây, kể cả con ruồi, anh xem toàn hóa chất, chất thải đen sì, đặc quánh kia, chứ có phải rác thải sinh hoạt đâu mà ruồi sống được"- anh công nhân tên C.N cho biết.

“Mấy ngày trước, khi bị cấm xả thải ra sông, các ông chủ đã chỉ đạo cho xả tràn ra mặt đường. Sau khi báo chí về phản ánh, rồi tỉnh xuống kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ các "bờ be" nước trong nội cụm công nghiệp, thì họ xả nước bẩn vào tạm bể chứa trong xưởng, rồi lại bơm vào sản xuất mẻ giấy mới tiếp, chứ biết đổ đi đâu"- anh công nhân vô tư nói thêm.

Theo ông Lợi, ruộng của gia đình ông đã dồn vào hết khu vực này với tổng diện tích 3.600m3. Ngoài diện tích ao nuôi cá, trên bờ ông trồng cây ăn trái. Thế nhưng, toàn bộ cá trong ao đá chết sạch, khiến ông lo lắng về kế sinh nhai cho gia đình. "Kiến nghị của chúng tôi giờ mong muốn đền bù cho chúng tôi đỡ thiệt và xử lý môi trường để chúng tôi còn làm ăn" - ông Lợi nói.

Có mặt tại ao cá chết, ông Lê Đại Hải bức xúc nói: "Nhà máy sản xuất giấy mà đổ nước thải ra ao, kênh mương thì không có một con gì sống được, không có một cây gì sống được, thậm chí con người cũng không thể tồn tại được nếu còn tiếp tục ở trên cái chỗ bị ô nhiễm môi trường như thế này".

Nhìn những cảnh này, người ta tự đặt câu hỏi, đến hít thở không khí ở đây đã thấy nặng nề, thì tôm cá ở địa phương làm sao dám ăn?

Có thể nói rằng những người công dân làm việc tại khu công nghiệp này sống trong điều kiện vô cùng thấp, làm việc đầu tắt mặt tối, bữa ăn cho qua bữa giữa những bãi rác, mương ao đen ngòm và tiếng ồn từ nhà máy để tồn tại, và sinh hoạt trong sự bất tiện về nguồn nước sinh hoạt.

Anh Nông bảo: "Khu này, càng ngày càng ô nhiễm lắm, nước tắm giặt là nước khoan lên, lọc qua rồi vẫn đen ngòm, tắm vào ngứa ngáy lắm. Còn nước ăn uống thì phải mua nước bình đem từ nơi khác về.

Biết là ô nhiễm "tứ tung" từ "chỗ làm việc" đến chỗ ở, chỗ ăn, chỗ tắm nhưng anh bảo: "Cũng không biết làm gì, mà làm ở đây được cái họ trả lương cao. Mình làm ca đêm”.

Vậy nhưng, làm việc trong môi trường độc hại, liệu số tiền đó có đủ để họ mua lại sức khoẻ và quyền lợi của mình? Bởi công việc của họ chỉ là thuê mướn, không hợp đồng, không bảo hiểm.

Theo ông Xuân, Phó Chủ Tịch UBND xã Phú Lâm cho biết, mỗi ngày một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm trung bình sản xuất ra chừng 50-70 tấn giấy hàng hóa. Các doanh nghiệp đóng thuế cho ngân sách Nhà nước khoảng 6-7 tỷ đồng. Thế nhưng, trái ngược với những đóng góp về kinh tế, môi trường nơi đây đã bị hủy hoại và đánh đổi một cách không thương tiếc.

Trước tình trạng này, Bộ NNPTNT đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh có biện pháp buộc các doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xả thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi Bắc Đuống. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh rà soát tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi Bắc Đuống, xử lý nghiêm vi phạm đối với tổ chức, cá nhân liên quan do hoạt động xả nước thải không đúng quy định pháp luật vào hệ thống công trình thủy lợi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, tại cụm công nghiệp Phú Lâm có khoảng 30 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất, tái chế giấy các loại với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 4.000m3/ngày đêm. Do chưa có hệ thống nước tải tập trung nên xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường đối với khu vực xung quanh.

Theo ông Đồng, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phú Lâm chủ yếu sản xuất các loại giấy đen làm bao bì nên không sử dụng nhiều hóa chất như ở làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp Phong Khê I và II - nơi sản xuất giấy vệ sinh, giấy trắng. "Nếu so sánh về nguồn thải ô nhiễm ở Phong Khê với Phú Lâm thì Phong Khê sẽ nặng hơn rất nhiều" - ông Đồng khẳng định.

Dù vậy, ông Đồng thừa nhận cụm công nghiệp Phú Lâm cũng đóng góp một lượng nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.

Với quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các sở ban ngành liên quan, UBND huyện Tiên Du đã thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê.

Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tiên Du đã tháo dỡ toàn bộ các đường ống của các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài cụm công nghiệp Phú Lâm có hành vi xả thải ra hệ thống thủy nông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, kiểm tra phát hiện 9 doanh nghiệp với 12 hệ thống máy bơm và đường ống khai thác nước mặt trên sông Ngũ Huyện Khê và công trình thủy lợi không có giấy phép khai thác và tổ chức tháo dỡ 12 hệ thống máy bơm và đường ống của các doanh nghiệp và 2 ống bơm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê.

Về vụ việc cá chết hàng hoạt, đại úy Lê Tuấn Anh, Đội phó Đội cảnh sát điều tra về kinh tế - môi trường, Công an huyện Tiên Du cho biết, công an huyện Tiên Du đã cử cán bộ xuống trực tiếp xác minh, thu thập mẫu liên quan để xác định nguyên nhân, hiện tại vẫn đang gửi Viện Khoa học hình sự giám định, xác minh những nội dung liên quan để xác định rõ nguyên nhân. Do đó, chưa có kết quả cụ thể.

Nguồn: Kinh tế Môi trường