Bích Ngọc ·
18 tuần trước
 10410

Năm 2024: Điều gì chờ đợi thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Các chuyên gia cho biết, thời gian qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phục hồi tích cực nhưng vẫn còn rủi ro. Năm tới thị trường sẽ thay đổi theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc, tuy vậy khó khăn vẫn còn.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu giá trị 12.561 tỷ đồng, giúp giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối 2023 và 2024 giảm lần lượt 12% và 10% so với trước khi mua lại. Từ đó cũng giảm được áp lực đáo hạn trái phiếu trong tương lai.

Đặc biệt, các quy định được ban hành đã giúp hoạt động phát hành phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong 6 tháng cuối năm. FiinGroup thống kê, trong quý 3 và nửa đầu quý 4/2023 giá trị phát hành là hơn 161.000 tỷ đồng (tương đương 70% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2023). Riêng quý 3/2023, giá trị phát hành TPDN thị trường sơ cấp tăng 180% so với cùng giai đoạn năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Về cơ cấu nhà phát hành, các đợt phát hành này chủ yếu từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản. Theo đó, trong 11 tháng của năm 2023 các ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với 110.248 tỷ đồng, đứng thứ hai là bất động sản với 73.856 tỷ đồng.

Với thị trường thứ cấp, FiinGroup cho hay, hoạt động phát hành đã trở nên sôi động hơn rất nhiều từ khi có sàn giao dịch TPDN riêng lẻ hồi giữa tháng 7/2023. Theo đó, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng rất mạnh trong giai đoạn từ giữa tháng 10/2023 tới nay. Gần 700 mã TPDN riêng lẻ được đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch, góp phần làm tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng mạnh mẽ. Khi thanh khoản của thị trường gia tăng, giao dịch đa dạng về số lượng và giá trị, lợi suất đầu tư sẽ dần được hình thành - là cơ sở để xây dựng đường cong lợi suất chung của toàn thị trường, nhất là khi kết hợp với hoạt động xếp hạng tín nhiệm.

Theo FiinGroup, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu riêng lẻ, đã góp phần “hạ nhiệt” mức độ vi phạm nghĩa vụ nợ trên thị trường này. Các chính sách hỗ trợ này đã góp phần tạo cơ hội tốt cho trái chủ và tổ chức phát hành tìm điểm cân bằng mới trong phương án trả nợ của họ, góp phần làm giảm những tác động lây chéo sang các lô trái phiếu lưu hành còn lại của các tổ chức phát hành gặp khó khăn.

Các chuyên gia cho biết, các chính sách “gỡ khó” thị trường TPDN đã phát huy tác dụng giúp thị trường đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy vậy, thị trường còn đối mặt với nhiều rủi ro khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng chậm trả lãi, gốc trái phiếu và áp lực trái phiếu đến hạn trong 2024 là rất lớn (khoảng 330.000 tỷ đồng), chưa bao gồm cộng số trái phiếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi. Năm 2025, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ hạ nhiệt với khoảng 270.000 tỷ đồng nhưng con số này chỉ thấp so với năm 2024 và cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.

Nhiều quy định đã được tạm hoãn bởi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm tới. Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP mới đây, Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm không tiếp tục kéo dài hiệu lực một số quy định đã được tạm hoãn.

Dù vậy, thị trường TPDN đang hoạt động tương đối tốt. Bức tranh kinh tế năm 2024 cũng được dự báo sẽ khởi sắc hơn cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đây là điểm tựa vững chắc cho thị trường. 

Bên cạnh đó, với việc rút kinh nghiệm trong năm 2023 và những bài học từ các quốc gia khác, TPDN sẽ có cơ hội ấm lên, trở thành một lĩnh vực huy động vốn trung - dài hạn tương đối tốt trong nền kinh tế.

Theo nhận định của bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI, vận hành thị trường TPDN riêng lẻ đóng vai trò rất quan trọng, đem lại tính minh bạch cho thị trường, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân.Chính vì thế, cần có khuôn khổ pháp lý mới, để nâng cao hiểu biết, nâng cao yêu cầu, quy định trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cùng với đó, đào tạo, tuyên truyền để công chúng và nhà đầu tư hiểu hơn, giúp thị trường phát triển lành mạnh, cả cung và cầu. Thêm vào đó, cần có sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức tài chính mua trái phiếu thay vì quá tập trung vào đầu tư cá nhân như hiện nay.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7225261137533580/?