Bích Ngọc ·
19 tuần trước
 9007

Năm 2024: Lãi suất ngân hàng sẽ ra sao?

Năm 2024 được dự báo lãi suất huy động vẫn sẽ ở mức thấp, thúc đẩy giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo bà Bùi Thúy Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, NHNN sẽ điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Những ngày qua, các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động. Các NHTM nhà nước đã có bước giảm sâu ở tất cả các kỳ hạn, trong đó có kỳ hạn giảm đến 0,4%.

So với cùng thời điểm năm 2022, nhìn chung lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 3% - 5%. Bên cạnh đó, thời gian qua lãi suất cho vay cũng giảm mạnh trong bối cảnh cầu tín dụng thấp do nền kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, khiến các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Chính vì thế, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, cùng với mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, do đó tăng trưởng tín dụng cũng nhích dần.

Các chuyên gia dự báo trong năm 2024 cầu tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn, dẫn đến nguy cơ ngân hàng thiếu hụt thanh khoản nếu dòng tiền ra khỏi ngân hàng nhiều hơn chảy vào. Khi đó, có thể buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để hút vốn.

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay khi vốn đầu tư cho nền kinh tế chủ yếu vẫn đặt nặng lên vai ngân hàng, việc duy trì chính sách lãi suất thực dương là cần thiết để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, từ đó đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Vì thế, lãi suất huy động khó có thể thấp hơn chỉ số CPI.

Với lãi suất cho vay, các chuyên gia nhận định sẽ duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua ở mức thấp cũng là yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.

Mới đây, VIS Rating đã có báo cáo cập nhật triển vọng tín dụng năm 2024 với kỳ vọng lãi suất huy động sẽ vẫn ở mức thấp, thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, giảm chi phí huy động vốn và giảm bớt gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp và tổ chức phát hành trái phiếu.

Các chuyên gia cũng nhận định triển vọng tín dụng sẽ cải thiện trong suốt năm 2024, nhờ môi trường kinh doanh và nhu cầu trong nước được cải thiện, chi phí huy động vốn ở mức thấp và tỷ lệ chậm trả nợ gốc, lãi phát sinh mới giảm bớt.

Kết luận Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần phải nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Thêm vào đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm nay, lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7207785332614494/?