Mới đây Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội bấm nút thông qua đã bãi bỏ điều kiện cư trú và “nới” một số điều kiện thu nhập cho đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Điều này được nhiều người mua nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ thoát khỏi “ma trận” thủ tục pháp lý như đã từng xảy ra.
Một trong những điều kiện khó vượt qua nhất trong hồ sơ mua nhà ở xã hội thời gian qua là điều kiện cư trú. Trước đây, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh/thành phố nơi có dự án mới được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, còn những người có hộ khẩu tạm trú sẽ phải tạm trú tối thiểu 12 tháng và phải đóng BHXH tại tỉnh/thành đó 12 tháng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo đó, quy định về điều kiện cư trú đã khiến rất nhiều người dân, hộ gia đình có nhu cầu mua nhà ở xã hội bị hạn chế trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Bên cạnh việc gây khó cho người mua, điều kiện này còn khiến nhiều doanh nghiệp khó bán nhà do khách hàng không thể tiếp cận.
Trước những diễn biến từ thực tế, Luật Nhà ở 2023 đã bỏ điều kiện cư trú khi mua nhà ở xã hội, có nghĩa là người dân muốn mua nhà loại này không cần có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 12 tháng trở lên.
Thêm một quy định khác cũng góp phần cởi bỏ bớt khó khăn cho người tiếp cận chính sách mua nhà ở xã hội đó là thay cụm từ “sở hữu của mình” cho cụm từ “sở hữu của hộ gia đình”. Theo đó, điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định, người mua nhà chỉ cần “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng”.
Có thể thấy, những quy định mới đã đem lại nhiều hy vọng cho người mua nhà ở xã hội và cả doanh nghiệp phát triển dự án. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng kỳ vọng Chính phủ và cơ quan quản lý sẽ có hướng dẫn thi hành Luật phù hợp trong thời gian tới để người dân và cơ quan địa phương dễ dàng áp dụng.
Tuy vậy, ngoài những tín hiệu vui thì vẫn còn nhiều nút thắt làm cho khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người dân được đánh giá khó bứt phá trong ngắn hạn, ít nhất là trong năm 2024.
Theo đó, thăm dò cho thấy điều kiện cư trú chỉ là một trong ba nút thắt lớn gây khó cho người mua nhà ở xã hội. Hai nút thắt lớn cần tháo gỡ còn lại là xác nhận về nhà ở và thu nhập (người lao động được mua nhà ở xã hội thuộc diện không đóng thuế thu nhập cá nhân).
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA kiến nghị, cần sớm nâng cả mức đóng thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh ít nhất 25%, có nghĩa là tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 lên 13 triệu đồng và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4,4 triệu lên 5,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài việc gỡ khó về thủ tục thì cần đẩy nhanh tăng nguồn cung. Theo thống kê của VARS, đến nay cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội với quy mô 20.210 căn, tương đương chỉ bằng 4,7% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. VARS cho rằng để tăng tốc thì cần có thêm trợ lực từ chính sách.
Theo nhận định của chuyên gia, để tăng nhà ở xã hội thì trước hết Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng nhà ở xã hội có bao cấp một phần thông qua miễn giảm các loại thuế phí, cho vay ưu đãi nhằm đảm bảo có nhà ở cho công nhân, cán bộ công nhân viên chức, quân nhân lực lượng vũ trang và người lao động.
Nếu nhà ở xã hội giá quá cao, công nhân có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng rất khó với tới, nhà ở xã hội nên hướng đến cho thuê với giá hợp túi tiền sẽ khả thi hơn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp, tính toán hợp lý để tăng quỹ đất làm nhà ở xã hội...
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường. Tuy vậy, để giải cơn khát nhà cho người dân, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, trong đó yếu tố then chốt là nút thắt pháp lý và khơi thông nguồn cung.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7207694892623538/?