Khu bảo tồn đang bị xâm phạm nghiêm trọng
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (Khu bảo tồn) là khu rừng tự nhiên hiếm có còn lại của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), với tính đa dạng sinh học cao. Về môi trường, đây là khu rừng nằm sát biển với lợi ích lớn trong việc chắn gió bão, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển huyện Xuyên Mộc. Khu bảo tồn có tổng diện tích khoảng 10.366ha, được chia làm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (5.017ha), phân khu phục hồi sinh thái (5.286ha) và phân khu dịch vụ hành chính (63ha).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây nổi lên tình trạng người dân đã phá rừng lấy gỗ, tự ý lấn chiếm đất rừng diễn ra thường xuyên tại khu bảo tồn để canh tác trồng trái phép các loại cây nông nghiệp. Từ đó, khiến cho diện tích rừng, đất lâm nghiệp và đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên.
Khu tái định cư dành cho các hộ dân phải di dời ra khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng xong (Ảnh báo Tin Tức)
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh BR-VT, hiện trong Khu bảo tồn còn 760 hộ dân sinh sống, canh tác. Các hộ dân này đã sử dụng đất lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, cây ăn trái… từ trước năm 1978 đến năm 2014 là 1.747 ha chiếm trên 15% diện tích của khu bảo tồn. Trong số này, thời điểm trước tháng 5/1978 có khoảng 70 hộ/110 ha nằm rải rác trong khu rừng; còn lại đa số người dân lấn chiếm đất rừng sau năm 1978 (thời điểm có chủ thể quản lý rừng Bình Châu - Phước Bửu) với khoảng 1.637 ha, chiếm 94% diện tích.
Từ năm 2014, UBND tỉnh BR-VT đã có chủ trương di dời các hộ dân lấn chiếm đất rừng ra khỏi Khu bảo tồn. Thế nhưng, sau hơn 8 năm, chính quyền địa phương vẫn chưa thể tiến hành di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi rừng. Điều này khiến tài nguyên, diện tích rừng và môi trường sinh thái càng bị đe dọa nghiêm trọng hơn.
Theo ngành chức năng, có đến 81% là các hộ dân lấn chiếm đất rừng cư ngụ tại xã Bình Châu. Hầu hết hộ dân xâm lấn đất rừng này có rất ít công trình, vật kiến trúc trên đất lấn chiếm, chỉ có khoảng 20 căn nhà cấp 4. Số còn lại là chòi tạm trong rẫy chứa vật dụng và nông sản khi thu hoạch.
Nhiều cây rừng trong Khu bảo tồn bị chặt phá không thương tiếc đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái tại đây.
Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, lấy ý kiến cũng như ra thông báo tới các hộ dân đang lấn chiếm về việc di dời ra khỏi đất rừng Bình Châu - Phước Bửu nhưng tỷ lệ các hộ dân đồng thuận rất thấp. Những hộ đồng thuận di dời đều mong muốn được Nhà nước hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội… mới đồng ý di dời.
Một hộ dân đang canh tác trên đất rừng Khu bảo tồn cho biết, khoảng năm 1993 gia đình mua giấy viết tay một phần diện tích đất này của một người dân. Từ đó đến nay gia đình đã khai phá thêm để trồng xoài và nhãn, mỗi năm vườn trái cây cho thu khoảng 1 tỷ đồng. Hộ dân này cũng cho biết là không muốn di dời vì diện tích đất này là kế sinh nhai, nguồn thu nhập chính của gia đình.
Ông Nguyễn Đăng Quan, Phó Giám đốc Khu bảo tồn tự nhiên Bình Châu – Phước Bửu cho biết, tình trạng người dân vào khu bảo tồn để chặt phá cây rừng, chiếm đất canh tác đã diễn ra thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua làm cho diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng. Thời gian gần đây, tình trạng đó vẫn còn diễn ra, nhưng đa số diện tích các hộ dân vào chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng đều là những diện tích đã chặt phá, chiếm trước đây đến nay vào để tái chiếm canh tác.
Cần đẩy nhanh công tác di dời, để đảm bảo hài hòa lợi ích
Nhằm khắc phục thực trạng lấn chiếm đất rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đã xây dựng Đề án "Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu giai đoạn 2018 - 2022". Đến ngày 12/3/2018, UBND tỉnh BR-VT đã có tờ trình số 26/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh về Đề án đã được xây dựng với tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là hơn 894 tỷ đồng.
Sau đó, HĐND tỉnh BR-VT đã chấp thuận bổ sung danh mục 2 dự án: Di dời, tái định cư các hộ đang cư trú trong đất rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và xây dựng hàng rào bảo vệ rừng với tổng vốn đầu tư khoảng 705 tỷ đồng. Trong đó, dự án thứ nhất bao gồm các nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân sử dụng đất ổn định; ổn định đời sống cho các hộ dân sử dụng đất lấn chiếm rừng và xây dựng hạ tầng tái định cư.
Căn nhà của một gia đình xã Bình Châu được xây dựng trong phạm vi đất rừng Bình Châu - Phước Bửu, đây là một trong số 880 hộ phải di dời ra khỏi rừng (Ảnh báo Tin tức)
Giải pháp mà đề án đưa ra để thực hiện di dời hết số hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ là sẽ tiến hành hỗ trợ, đền bù tùy theo đối tượng, tùy theo thời gian canh tác của người dân. Trong đó, đối với diện tích đất do các hộ đã sử dụng ổn định từ trước ngày 26-5-1978 (được xem là hợp pháp) thì Nhà nước có định hướng hỗ trợ 100% khi di dời ra khỏi rừng.
Theo đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ về đất ở và tiền thuê nhà cho nhà cho các hộ dân sử dụng đất rừng từ ngày 13/5/1978 đến ngày 1/7/2004. Nếu hộ dân nào không nhận đất ở thì sẽ nhận tiền mặt với đơn giá 492.000 đồng/m2 theo Quyết định 65/2014/QĐ-UBND tỉnh ngày 19/12/2014. Riêng những trường hợp lấn chiếm đất rừng từ năm 2015 đến nay thì không được hỗ trợ kể cả đất và cây trồng mà buộc họ phải di dời ra khỏi diện tích rừng thuộc quản lý của Khu bảo tồn.
Đối với các hộ đã nhận khoán, để quản lý bảo vệ và phát triển rừng thì phải thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo sự hướng dẫn của Ban Quản lý Khu bảo tồn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ có chính sách đào tạo nghề, chính sách về khuyến nông, hỗ trợ đất canh tác, cây trồng, nhà ở phù hợp với thực tế của từng đối tượng. Cách làm này nhằm đảm bảo đời sống của người dân đang lấn chiếm đất rừng, để họ có cuộc sống ổn định không còn quay lại lấn chiếm đất rừng để canh tác.
Ông Trần Văn Trại, Phó Phòng Khoa học, Du lịch sinh thái và Hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu) cho biết, thời gian qua việc tuyên truyền đã được chính quyền địa phương và Ban Quản lý khu bảo tồn thực hiện với nhiều hình thức. Tuy nhiên, các hộ dân có nhiều ý kiến trái chiều và hầu hết không hợp tác, số đồng ý di dời thì yêu cầu Nhà nước phải đền bù, hỗ trợ thỏa đáng…
Trước đó, thông tin với báo chí ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh BR-VT cho biết: "Một trong những nội dung quan trọng của việc di dời dân ra khỏi khu bảo tồn là bố trí chỗ tái định cư cho người dân. Do đó, Sở sẽ tập phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương liên quan tiến hoàn thực hiện các nội dung để hoàn thành thủ tục triển khai xây dựng khu tái định cư tại địa điểm đã được chọn là 10ha ấp 4, xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Khi bảo đảm có chỗ ở ổn định thì mới tiến hành di dời người dân ra khỏi rừng. Và có như thế mới tiến hành được các giai đoạn tiếp theo trong lộ trình ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong Khu bảo tồn".
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Và được xếp vào “Kiểu thực vật rừng kín, nửa rụng lá ẩm nhiệt đới”, đa dạng về thành phần thực vật, gồm 750 loài thuộc 123 họ, trong đó có 732 loài đã được định danh, với nhiều loài quý hiếm như: Cẩm lai Bà Rịa, gõ đỏ, gõ mật, giáng hương, bình linh nghệ, dầu cát..., trong đó, loài dầu cát được xem là loài cây đặc hữu của Khu bảo tồn. Được thành lập từ năm 1978, Khu bảo tồn (trước đây gọi là “Khu rừng cấm Bình Châu”), có diện tích tự nhiên hơn 10.537 ha, trải dài trên địa phận 5 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc, Phước Bửu của huyện Xuyên Mộc.Khu được chia làm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (5.017 ha), phân khu phục hồi sinh thái (5.286 ha) và phân khu dịch vụ hành chính (63 ha). Đây là nơi cư trú của các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN thế giới.Đồng thời, Khu bảo tồn còn có chức năng phòng hộ môi trường vùng ven biển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phục vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, giáo dục bảo tồn, vui chơi giải trí và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. Việc phát triển du lịch sinh thái ở Bình Châu - Phước Bửu sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, khai thác và phát huy tốt nhất các tiềm năng về tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. |
Nguồn: Kinh tế Môi trường