Mạng lưới hệ thống điện Việt Nam còn nhiều bất cập về năng lực, chất lượng truyền tải, phụ tải lớn như máy móc, điều hoà, làm mát... tăng nhanh, mà hạ tầng chưa theo kịp. Phần lớn các vụ cháy có nguyên nhân từ chập, cháy đường điện. Một phần do ý thức, trình độ người dân chưa cao tự ý đấu nối câu móc, sử dụng điện không an toàn.
Về nguyên tắc, hạ tầng điện cần đi trước, khi xây dựng cần tính toán cả lượng phát sinh trong tương lai để thiết kế, nhưng hiện trạng ở các thành phố lớn của nước ta lại đi ngược. Hệ thống điện đang “bóc ngắn cắn dài”, chạy hụt hơi đuổi theo sự phát triển, tăng trưởng nóng của lượng điện tiêu thụ do yêu cầu từ sản xuất công nghiệp, cho đến nhu cầu cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Dây điện chằng chịt trên các cột điện là tình trạng phổ biến tại các khu vực nội đô.
Ngoài đường, những cây cột điện trong các nội đô với các loại dây điện chằng chịt lên nhau, dây điện thoại, internet… quấn chung vào với nhau nhìn muốn đen cả mắt. Trong nhà dân thì ổ cắm kéo khắp nơi, mỗi người một cái sạc điện thoại, rồi ổ cắm máy tính, đồng hồ điện tử, quạt cây, quạt kéo, bàn là, bếp từ… Dây dợ cứ chồng chất lên nhau, người dân không mấy người hiểu về phụ tải, về an toàn đường dây, cứ để thiết bị cháy khét lên mới để ý. Người viết từng thấy chùm dây điện quá tải nóng chảy nhựa nhỏ lép bép từ cây cột điện xuống từng giọt lửa, (nhựa từ dây điện rất dễ bắt cháy) mà người dân vẫn đứng chỉ trỏ cười xem như không có chuyện gì xảy ra.
Theo thống kê của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Bộ Công An, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xảy ra 522 vụ cháy làm chết và bị thương 46 người.
Hải Phòng gần đây xảy ra cháy lớn ở chợ Tam Bạc, quận Hồng Bàng thiệt hại lớn về tài sản cũng như chốn sinh nhai của hàng trăm tiểu thương, gần nhất là vụ cháy tại số nhà 144 phố Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền làm 3 người chết thảm.
Nếu cứ đổ hết trách nhiệm lên đầu lực lượng cảnh sát PCCC thì cũng chưa ổn, vì với quân số đó, họ không thể kiểm soát được toàn bộ điều kiện cũng như tình trạng về an toàn về cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như nhà dân trong thành phố. Họ tuyên truyền vận động, tuần tra, kiểm tra các cơ sở, cấp phép với các điểm đủ điều kiện theo luật, xử lý vi phạm… song hành với nhiệm vụ chữa cháy khi sự cố xảy ra.
Trong khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì tìm cách lách luật, dùng các mối quan hệ để tránh né việc đầu tư vào các hệ thống báo cháy, chữa cháy (vì chúng rất tốn kém mà không sinh lời, chưa kể ngoài khoản đầu tư ban đầu thì cần khoản duy tu bảo dưỡng giữ trạng thái ổn định sẵn sàng hoạt động của hệ thống).
Nhà dân thì tự ý cơi nới, sửa chữa và không mấy ai tính đến sự an toàn của ngôi nhà khi cháy nổ cần có lối thoát hiểm, thay vào đó là thiết kế tự ý, tự phát… sợ trộm nên không có ban công mà còn hàn kín chuồng cọp quây bên ngoài để chống đột nhập. Vụ cháy mới đây ở Hà Đông, TP Hà Nội nếu không có chuồng cọp thì khả năng mấy bà cháu có thể thoát thân qua lối ban công sang nhà bên cạnh.
Cần làm gì để giảm thiểu số vụ chạy cùng thiệt hại về người và của, trong khi nguyên nhân về hạ tầng lưới điện không thể ngày một ngày hai khắc phục ngay được. Điều này cần sự hợp tác từ chính doanh nghiệp và người dân.
Chấp hành tốt các quy định, tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy theo luật và quy định. Nếu có sửa chữa cải tạo nhà ở thành cơ sở kinh doanh như quán Bar ở phố Văn Cao thì phải được tư vấn thiết kế, thẩm định, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Tự trang bị kiến thức về sử dụng điện an toàn, tìm hiểu tham gia các hoạt động về phòng cháy chữa cháy để khi có sự cố có đủ bình tĩnh và kinh nghiệm xử lý.
Người viết là đội trưởng đội PCCC cơ sở, tham gia diễn tập rất nhiều lần, hiểu rõ hiệu quả của việc huấn luyện ngoài việc sử dụng thành thạo các bình chữa cháy, cách dùng lăng vòi của hệ thống chữa cháy vách tường thì việc diễn tập tạo ra tâm lý bình tĩnh khi thấy khói lửa của đám cháy. Được huấn luyện có kiến thức sẽ dễ dàng khống chế đám cháy khi nó chưa bùng phát bằng các bình chữa cháy, đủ sự bình tĩnh tìm lối thoát hiểm khi đám cháy lớn. Đủ tự tin cầm bình xịt thẳng vào khay xăng cháy ngùn ngụt toả bức xạ nhiệt bỏng rát thì sẽ sáng suốt khi tìm lối thoát thân.
Mới đây ngày 17/5/2023 tại nhà số 44 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội xảy ra vụ cháy. Nhờ sự bình tĩnh ứng phó mà anh chủ nhà Đào Nguyên Quang đã xử lý chính xác, cứu thoát cả gia đình khỏi đám cháy khi đưa vợ con bằng đường ban công thoát qua nhà hàng xóm, hô hoán để nhờ đưa mẹ xuống bằng thang, còn tài sản thì chấp nhận bị thiêu rụi.
“Thuỷ, hoả, đạo, tặc”, bốn cái nạn lớn không ai mong muốn nhưng chúng vẫn xảy ra. Vậy trước khi bấm số 114 gọi cứu hoả tới thì hãy tự cứu mình trước.
Phần lớn các vụ tử vong trong đám cháy là bị hít phải khí, khói độc. Nên nhớ chỉ vài lần hít khói độc là gây sốc, ngất rồi tử vong. Nên khi phát hiện cháy nổ, nếu thấy đám cháy nhỏ có thể dập bằng nước, bình chữa cháy hay vật dụng bên cạnh thì phải quyết định dập ngay, cùng hô hoán ứng cứu. Nếu đám cháy to thì ưu tiên cho thoát hiểm, phân tích và tìm ngay lối thoát an toàn như lên sân thượng, qua ban công, cửa sổ, sử dụng, dây, thang, chăn đệm để thoát thân. Không cố cứu tài sản, trốn ở nơi khó tìm, chỉ vào nhà vệ sinh làm ướt khăn, quần áo để bịt ngăn khói chống bỏng, không cố thủ ở mãi trong nhà vệ sinh khi đám cháy bùng to.
Hãy cúi người thấp nhất có thể, bò sát sàn nhà cũng được để tránh khí, khói độc cũng như nhiệt từ đám cháy. Nếu thoát thân ra ngoài cần mô tả chi tiết vị trí của người còn mắc kẹt để lính cứu hoả có đủ trang bị và kĩ năng vào ứng cứu.
Khi xây dựng nhà ở cần thiết kế các lối thoát nạn, trong trường hợp bất khả kháng hàn, vây khung sắt thì phải trang bị búa, rìu, nhanh chóng phá dỡ để thoát thân.
Bớt thời gian cho những hoạt động giải trí, thể thao, ăn uống dành chút đầu tư cho kiến thức PCCC sẽ rất có ích khi hữu sự.