Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8789

Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu: Các chuyên gia nói gì?

NHNN đã hút gần 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trong ba phiên giao dịch gần đây. Các chuyên gia cho biết, có thể NHNN duy trì động thái này cho tới khi có những tín hiệu mới với nền kinh tế.

Hôm qua (ngày 25/9), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục hút thêm 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày (với lãi suất 0,49%/năm).

Nguồn ảnh: Internet.

Trước đó, trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước, NHNN đã hút 19.995 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. 

Theo đó, vào ngày 21/9, NHNN đấu thầu được 9.995 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 0,69%/năm, còn vào ngày 22/9, NHNN bán ra thêm 10.000 tỷ đồng tín phiếu nữa với lãi suất 0,5%/năm.

Được biết, mức lãi suất trúng thầu tín phiếu của ngày 25/9 đang cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng (đạt 0,17%/năm vào ngày 22/9). 

Chỉ trong ba phiên giao dịch liên tiếp, NHNN đã hút gần 30.000 tỷ đồng từ thị trường. Các chuyên gia cho rằng, động thái hút tiền của NHNN sẽ hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng nhích lên, từ đó góp phần làm giảm áp lực tỷ giá. Sau khi NHNN đấu thầu tín phiếu đã ghi nhận lãi suất liên ngân hàng nhích nhẹ (từ 0,14%/năm lên 0,17%/năm vào ngày 22/9).

Trước đó, ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup nhận định về động thái này của NHNN, trong giai đoạn này, ông cho rằng đây là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống.

Ông Báu cho rằng thời gian tới NHNN sẽ làm đồng thời cả hai nhiệm vụ. Một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các NHTM trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Cùng với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông. Ông cho rằng hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.

Việc Ngân hàng Nhà nước thông qua động thái phát hành tín phiếu ở quy mô nhỏ, hút tiền về, được giới tài chính đánh giá là tín hiệu rất rõ ràng về việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, dư thừa vốn ngân hàng, ổn định tỷ giá.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm đã nhích nhẹ. Nguồn ảnh: Internet.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ của nước ta đi ngược chiều các nền kinh tế lớn mặt bằng lãi suất đã liên tục giảm kể từ đầu năm. Lãi suất hiện gần tương đương mặt bằng thấp giai đoạn trước COVID-19.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là hút tiền trên thị trường khi đang thừa tiền, không cho vay ra được.

Nước ta đang thực hiện việc hạ lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế VAT... những điều này làm cho chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, chính vì thế lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Bên cạnh việc bơm hút tiền bình thường ra thì việc phát hành tín phiếu cũng là một trong những cách để Ngân hàng Nhà nước rút bớt tiền trong xã hội.

Ông Thịnh cho biết, tín phiếu là phát hành ra thị trường nói chung, ngân hàng thương mại có thể chỉ là nơi trung chuyển, ngân hàng thương mại cũng có thể mua tín phiếu từ Ngân hàng Nhà nước để hút bớt tiền trong nền kinh tế, giảm áp lực tiền tệ giữa VNĐ và USD cũng như áp lực về lạm phát. Từ đó, không cần lo về tỷ giá VNĐ/USD hay lo VNĐ mất giá so với USD.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56%, trong khi đó định hướng cả năm là 14%, và chỉ nhỉnh hơn một chút so với 5,33% đến cuối tháng 8.

Việc dư thừa thanh khoản khiến các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động. Cuối tuần trước và đầu tuần này, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước bao gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt giảm lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động cao nhất về chỉ còn 5,5%/năm (thấp nhất trong lịch sử thị trường tiền tệ).

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6879814325411598/?