Bích Ngọc ·
32 tuần trước
 5751

Việc Ngân hàng Nhà nước phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu có ảnh hưởng tới chứng khoán?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo về việc phát hành gần 10 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, trong đó lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm.

Theo đó, kể từ ngày 21/09/2023 Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Thời gian ghi nhận đơn dự thầu vào lúc 13h45 ngày 21/09/2023 và đóng thầu vào lúc 15h00 cùng ngày. Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá là một lần đầu kỳ. Ngày 19/10/2023 là đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá.

Ngân hàng Nhà nước phát tín phiếu sau 5 tháng tạm dừng. Nguồn ảnh: Internet.

Kết quả đấu thầu cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 9,995 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất trúng thầu đạt 0,69%/năm. Hiện mức lãi suất trúng thầu tín phiếu đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng được công bố mới nhất vào ngày 19/09/2023 là 0,15%.

Đây là đợt phát hành tín phiếu đầu tiên của NHNN kể từ tháng 3/2023. Đáng chú ý, động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa.

Thông tin này được cho là có ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý lên nhóm cổ phiếu “nhạy” với diễn biến thanh khoản và lãi suất (bao gồm Chứng khoán, Ngân hàng và Bất động sản).

Tuy vậy, theo FiinGroup đánh giá, ở thời điểm hiện tại khi thanh khoản hệ thống đang dư thừa, động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước nên được xem xét trong mối tương quan với diễn biến về tỷ giá. Có thể thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để “hạ nhiệt” tỷ giá, được kỳ vọng sẽ giữ chân dòng tiền ngoại đang “nhấp nhổm” rút ra hoặc tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân.

Như vậy, động thái phát hành tín phiếu của SBV cùng với việc giá bán USD ở VCB quay đầu giảm gần đây nên được nhìn nhận với góc độ tích cực hơn là tiêu cực.

Tuy vậy, tỷ giá là một vấn đề rất phức tạp, hầu hết các nhà đầu tư cá nhân như gần như không đủ dữ liệu hay kiến thức phân tích. Do vậy, nhà đầu tư nên theo dõi thêm diễn biến tỷ giá thường xuyên trong thời gian tới.

Theo FIDT đánh giá, việc này của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý do bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa, lãi suất liên ngân hàng đang về 0,15%/năm. Việc này cũng giúp giảm áp lực tỷ giá đồng thời hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá.

Cuối tuần trước và đầu tuần này, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước bao gồm: Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt giảm lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động cao nhất về chỉ còn 5,5%/năm, thấp nhất trong lịch sử thị trường tiền tệ.

Trong ngắn hạn, tin này tác động chính về mặt tâm lý cùng với yếu tố bán ròng của khối ngoại sẽ khiến thị trường điều chỉnh, tuy vậy cũng không quá đáng ngại. 

Về trung hạn, cả xu hướng vĩ mô và thị trường chứng khoán vẫn tốt, việc hút thanh khoản cũng giúp ổn định tỷ giá tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên trung hạn của thị trường chứng khoán.

Tín phiếu là một công cụ nợ do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phát hành, mục đích là điều chỉnh chính sách tiền tệ, tạo lập các công cụ tài chính trên thị trường. Tín phiếu là một hình thức huy động vốn dưới hình thức là một chứng chỉ vay nợ có xác nhận quyền của chủ nợ, quyền hưởng lợi tức… Thời hạn của tín phiếu trong thời gian ngắn hạn (dưới 1 năm). Có hai loại tín phiếu phổ biến nhất là tín phiếu kho bạc và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Tín phiếu kho bạc là chứng nhận nợ ngắn hạn do Kho bạc nhà nước phát hành với mục đích bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước. Còn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là chứng nhận nợ ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành với mục đích thắt chặt chính sách tiền tệ. Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành cho tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6875921592467538/?