Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8855

Ngân hàng Nhà nước nói sao về áp lực tỷ giá trong nửa cuối nay?

Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS) cho hay, MBS dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng thêm lãi suất trong năm 2023, tuy nhiên áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước so với các năm trở lại đây thì ghi nhận ở mức cao.

Ông Đinh Quang Hinh -  Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, để ổn định tỷ giá trong năm nay NHNN vẫn sẽ có những yếu tố hỗ trợ bao gồm: thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả 2 chiều, phù hợp với điều kiện thị trường và nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hấp thu cú sốc bên ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá giao dịch USD/VND thị trường có xu hướng giảm. Tuy vậy, từ giữa tháng 6/2023, khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao còn lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm đã tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại.

Tính đến thời điểm hiện tại thì cân đối cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu 20,19 tỷ USD (tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên chủ yếu do xuất khẩu giảm 10% trong khi nhập khẩu giảm mạnh hơn 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022). Tính chung 8 tháng đầu năm, chuyển tiền kiều hối về nước ước đạt 10,126 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 28%.

Thời gian tới, việc Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cùng những diễn biến quốc tế khó lường sẽ là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Tuy vây, theo khẳng định của nhà điều hành, cung cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cùng các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt của cơ quan này là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

Về diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới trong những tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn chưa thể chủ quan với áp lực lạm phát bởi nhiều yếu tố. 

Theo đó, vào tháng 8 năm nay, lạm phát CPI tăng 0,88% so với tháng trước, đây là mức tăng tương đối cao. Trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 dự kiến giá nhiên liệu, lương thực thế giới sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt El-Nino, căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi chính sách kinh tế, thương mại của một số quốc gia…

Bên cạnh đó, trong tháng 7-8/2023, các tổ chức IMF, EIA điều chỉnh tăng dự báo giá dầu bình quân năm 2023, đồng thời Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên đến 107 USD/thùng trong trường hợp OPEC+ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng dầu trong năm 2023 đến hết năm 2024.

Theo nhà điều hành, về định hướng chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thực tế, vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6856532384406459/?