Theo đó, các tài sản của Dầu khí Bông Sen Vàng được đưa ra đấu giá gồm có:
Thứ nhất, Quyền sử dụng đất với tổng diện tích 624,4m2 (bao gồm 300m2 đất ở và 324,4m2 đất cây lâu năm), cùng với tài sản gắn liền với đất, tọa lạc tại ấp Phú Ninh, xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đây là tài sản thuộc sở hữu của ông Trịnh Thành Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng. Tài sản gắn liền với đất bao gồm trạm bán lẻ xăng dầu với các hạng mục công trình như phòng giao dịch, trụ bơm xăng dầu, bồn chứa xăng dầu. Được biết, giá khởi điểm của tài sản này là 11 tỷ đồng.
Thứ hai, Quyền sử dụng đất với tổng diện tích 1.901,5m2 (bao gồm 300m2 đất ở và 1.601,5m2 đất cây lâu năm), cùng với tài sản gắn liền với đất, tọa lạc tại ấp Đông Hòa 2, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đây là tài sản thuộc sở hữu của ông Trịnh Thành Hưng. Tài sản gắn liền với đất là một cửa hàng xăng dầu của Công ty Dầu khí Bông Sen Vàng, với diện tích 461m2. Mức giá khởi điểm của tài sản này là 9 tỷ đồng.
Thứ ba, Quyền sử dụng đất với diện tích 1.051m2 (bao gồm 300m2 đất ở và 751m2 đất trồng cây lâu năm), tọa lạc tại ấp Đông Thạnh A, xã Đông Thạnh, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là tài sản thuộc sở hữu của ông Trịnh Thành Hưng. Tài sản gắn liền với đất là cửa hàng xăng dầu của Công ty Dầu khí Bông Sen Vàng, được xây dựng từ năm 2012. Giá khởi điểm của tài sản này là 7 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 1 năm 2024, VietinBank Sa Đéc cũng đã thông báo chuẩn bị đấu giá tài sản thu hồi nợ đối với 5 quyền sử dụng đất được dùng làm cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Trong đó, có 3 tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng như đã nêu ở trên.
Theo tìm hiểu, Công ty Dầu khí Bông Sen Vàng được thành lập năm 2011, có trụ sở tại TP. Cần Thơ. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu mối bị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh xăng dầu vào tháng 2 năm 2023.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Ngoài Dầu khí Bông Sen Vàng, trước đó VietinBank cũng đã dính nợ xấu tại 1 "ông lớn" trong ngành xăng dầu là Xuyên Việt Oil. Theo đó, vào cuối năm 2023 dư nợ cho vay Xuyên Việt Oil của VietinBank là hơn 1.600 tỷ đồng và nằm trong nhóm nợ xấu.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế, trong đó phần lớn thuế bảo vệ môi trường.
Để ngăn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, năm 2024, ngành thuế tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính và cơ sở kinh doanh. Theo Tổng cục Thuế, tình trạng đa số doanh nghiệp đưa tài sản đảm bảo vay vốn gây ra khó khăn trong thu hồi nợ thuế.
Trong kết luận vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, việc để xảy ra tình trạng doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nợ thuế “khủng” xuất phát 1 phần từ việc không quy định thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sản lượng mua bán xăng dầu giữa các đầu mối với nhau, dẫn đến các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khai, tính thuế bảo vệ môi trường thiếu.
Theo Thanh tra Chính phủ, thuế bảo vệ môi trường được tính trong giá cơ sở xăng dầu là thuế gián thu, Nhà nước giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thu trên số lượng xăng dầu bán ra và nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, do Tổng cục Thuế và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu được kiểm tra đã phát hiện nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7585990074794016/?