Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) và Bờ Biển Ngà (Quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện) đã lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là SOLUTIONS TO PLASTIC POLLUTION (“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”).
Với khẩu hiệu “Beat Plastic Pollution” - Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa, Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được hỗ trợ bởi Chính phủ Hà Lan, một trong những quốc gia có hành động đầy tham vọng đối với vòng đời của nhựa. Nước này là một bên ký cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới và là thành viên của Hiệp hội đối tác toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác biển. Đây cũng là một thành viên của Liên minh tham vọng cao kêu gọi sự ràng buộc pháp lý quốc tế mạnh mẽ và đầy tham vọng để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.
Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 51 năm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, sau khi tổ chức này được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1972 và Ngày Môi trường thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1973.
Trải qua 5 thập kỷ, tổ chức này đã phát triển thành một trong những tổ chức lớn nhất về môi trường toàn cầu. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã tham gia và hành động hưởng ứng các hoạt động, sự kiện do tổ chức này phát động.
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề SOLUTIONS TO PLASTIC POLLUTION (“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”)
Từ năm 2014, Bờ Biển Ngà đã cấm sử dụng túi ni lông và chuyển sang sử dụng bao bì có thể tái chế, dễ phân hủy. Thành phố lớn nhất của Bờ Biển Ngà là Abidjan đã trở thành một trung tâm cho các công ty khởi nghiệp tìm giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa.
“Bờ Biển Ngà và Hà Lan là một trong số các quốc gia đang tích cực giải quyết thách thức này và hướng tới những lợi ích của nền kinh tế nhựa tuần hoàn. Kỷ niệm 50 năm Ngày Môi trường Thế giới là thời điểm quan trọng để tất cả các Chính phủ, doanh nghiệp, nhóm cộng đồng và cá nhân tích cực tham gia vào nỗ lực toàn cầu này”, Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP chia sẻ.
Nhựa xâm lấn toàn Trái Đất
Hàng năm, hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, một nửa trong số đó được sản xuất chỉ để sử dụng một lần. Dưới 10% trong số đó được tái chế, còn lại mỗi năm có khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra môi trường, chủ yếu là các hồ, sông và biển. Các hạt nhựa nhỏ (Microplastic) có đường kính chỉ 5 mm – có thể lẫn vào thức ăn, nước và không khí.
Vì vậy, ước tính rằng mỗi người trên hành tinh tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải hạt nhựa nhỏ trong không khí. Nhựa dùng một lần thường bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Trước đó, ngày 2/3/2022, từ Nairobi, Hội đồng môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA) tuyên bố thế giới đã chứng kiến "ngày lịch sử trong công cuộc đánh bại ô nhiễm nhựa". Đó là ngày hội nghị UNEA-5, với đại biểu từ 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt được hai việc quan trọng: thông qua nghị quyết lịch sử để chấm dứt ô nhiễm nhựa và thiết lập Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC), với tham vọng soạn thảo một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024.
Theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan.
Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”. Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận này, dự kiến kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.