Hồ Hằng ·
1 năm trước
 1216

Nghệ An: Hơn 120 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh

UBND tỉnh Nghệ An vừa công nhận thêm 124 sản phẩm của 98 chủ thể đạt sao OCOP cấp tỉnh đợt 2 của năm 2022. Trong đó, 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 121 sản phẩm đạt 3 sao.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Nghệ An đợt 2 của năm 2022. Đã có 124 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP đợt 2 của năm 2022. Trong đó, 121 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Sản phẩm OCOP của Nghệ An chất lượng tốt, đa dạng, phong phú về chủng loại

Những sản phẩm đạt hạng sao OCOP được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận, được sử dụng tem, nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm theo quy định. Các sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP và được trao cúp biểu tượng gồm: Giò bê Tứ Phương và xúc xích Tứ Phương (Công ty cổ phần Thực phẩm Tứ Phương, xã Nghi Phú, TP.Vinh); Điểm du lịch sinh thái tâm linh đền - chùa rú Gám (Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Thành, huyện Yên Thành).

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân, đến nay Nghệ An có 405 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp Quốc gia 5 sao và 6 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 2 của cả nước.

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: Các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP.Vinh, Thanh Chương,... Đã có 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương và tận dụng được thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, khi hậu, có chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu.

Thông qua chương trình, đã hình thành được một số liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Sản phẩm Tảo xoắn Quỳnh Lưu, HTX Nhút Hạnh Lâm, HTX Bưởi Diễn Thanh Nho, HTX Gừng Kỳ Sơn, Nước mắm Tân Hội Cửa Lò, Lạc Diễn Châu, Dược liệu Pù Mát, Chè Thanh Chương, Tinh bột nghệ Hoàng Mai, làng nghề nước mắm Hải Giang 1... Việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh của địa phương đã “biến” nông sản vốn là sản vật thường có trở thành trứ danh từng vùng.