Được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health, nghiên cứu quốc tế trên là sự hợp tác đa thành phố, đa quốc gia chưa từng có.
Theo đó, nghiên cứu này đã phân tích tác động của việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn đối với tỉ lệ tử vong và đánh giá tác động của khói lửa rừng đối với tỉ lệ tử vong bằng cách tổng hợp dữ liệu từ 749 thành phố riêng lẻ ở 43 quốc gia, trong khoảng thời gian 17 năm.
Eric Lavigne, Giáo sư trợ giảng tại Trường Dịch tễ học và Y tế Công cộng tại Khoa Y của Đại học Ottawa, là một trong những tác giả quốc tế đứng sau nghiên cứu. Ông đã cung cấp một số thông tin chi tiết về kết quả nghiên cứu.
"Chúng tôi đã sử dụng mô hình vận chuyển hóa học để ước tính mức độ phơi nhiễm vật chất hạt mịn (PM2.5) bắt nguồn từ cháy rừng hàng ngày và mô hình chuỗi thời gian được sử dụng để kiểm tra mối liên quan giữa phơi nhiễm và tử vong ở mỗi thành phố", Eric Lavigne cho biết.
Trong 3 ngày đầu tiên tiếp xúc với đám cháy, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, tim mạch và hô hấp tăng lên đáng kể. Nhìn chung, khoảng 0,4% tổng số ca tử vong là do khói cháy rừng.
Saskatoon và Regina là một trong những thành phố có nồng độ PM2.5 cao nhất trong khi Canada được xác định là một trong những quốc gia có nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh đường hô hấp cao nhất. Điều quan trọng cần lưu ý là rủi ro đối với Canada có thể so sánh với rủi ro được quan sát thấy ở Hoa Kỳ.
Không có gì ngạc nhiên khi thấy nguy cơ ô nhiễm do cháy rừng đối với tỉ lệ tử vong vì bệnh đường hô hấp cao hơn tỉ lệ tử vong do tim mạch hoặc tử vong do mọi nguyên nhân khác.
Các kết quả liên quan trực tiếp đến Canada cho thấy sự cần thiết của các biện pháp y tế cộng đồng để giải quyết khói cháy rừng, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng rất cần thiết để đánh giá các chất ô nhiễm do cháy rừng. Qua đó, xác định các đối tượng dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí liên quan đến các đám cháy rừng để hành động một cách kịp thời.