Lan Hương ·
2 năm trước
 6006

Người dân Thuận Hà (Đắk Song, Đắk Nông) kể chuyện bị CĐT Dự án điện gió Đắk N’Drung 1 "lừa" bán đất như thế nào?

Về chuyện dân "tố" Chủ đầu tư dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 làm trái Thông tư của Bộ Công thương, có thể thấy còn quá nhiều bất cập. Người dân muốn được làm rõ việc họ cho rằng đã bị lừa dối khi bán đất để trồng cây dược liệu, nhưng cuối cùng chủ đầu tư lại làm dự án điện gió, dự án làm ảnh hưởng đến môi trường sống, xáo trộn sinh hoạt và không bồi thường thỏa đáng cho người dân. Người dân cần được bồi thường thỏa đáng và có chính sách bảo đảm môi trường sống cho mình, nhưng ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm 2 việc này?

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ câu chuyện xảy ra vào đầu tháng 6 vừa qua, hàng trăm người dân tại xã Thuận Hà (Đắk Song, Đắk Nông) chặn xe thi công tuabin gió thuộc dự án điện gió Đắk N’Drung 1. 

Theo ghi nhận từ Nông Nghiệp, người dân liên tục tụ tập đông người phản đối dự án, ngăn cản chủ đầu tư đưa máy móc, thiết bị vào khu vực thực hiện dự án. Trong lúc ngăn chặn, thậm chí đã xảy ra xô xát hỗn loạn với phía bảo vệ thi công công trình.

Ngăn cản không cho chủ đầu tư thực hiện dự án vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Ngăn cản không cho chủ đầu tư thực hiện dự án vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ảnh: Minh Hậu.

Được biết, không phải là lần đầu người dân tại khu vực trên tập trung đông người cản trở Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung triển khai ba dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2 và 3 (tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỉ đồng).  

Vì sao người dân phản đối gay gắt các dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2 và 3?

Tại sao người dân lại có phản ứng gay gắt như vậy? 

Bởi người dân đã cho rằng đã có cảm giác bị lừa khi chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án điện gió đến mua đất nói là để thực hiện dự án trồng cây dược liệu. Tuy nhiên sau đó lại triển khai xây dựng các tuabin của điện gió. Một điều đáng nói là vào thời điểm dự án gần triển khai mới có người đến hỏi mua đất của bà con. 

“Chúng tôi có biết gì về dự án điện gió đâu. Nhiều người đến hỏi mua đất để thực hiện dự án trồng thảo dược, dân tình đang điêu đứng vì tiêu xuống giá, khi nghe họ thuyết phục đã bán đất với giá mức giá gần 500 triệu đồng/ha.

Nếu biết làm dự án điện gió khiến người dân khổ thế này thì chúng tôi chắc chắn đã không bán rồi”, bà Nguyễn Thị Đậm, người bán 3,4 ha với giá 1,5 tỷ đồng do nhầm lẫn dự án điện gió và dự án trồng thảo dược chia sẻ trong trạng thái bức xúc. 

Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết, người dân xã Thuận Hà còn trình bày rằng Dự án đi qua đất của bà con nhưng dân không nhận được bất cứ thỏa thuận bồi thường nào. Một số người dân cho hay, phía chủ đầu tư chưa thực đầy đủ thủ tục về đất đai, các quy định về đảm bảo tiếng ồn, môi trường, khoảng cách an toàn… nhưng đã triển khai thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến cuộc sống của họ. 

Người dân xã Thuận Hà còn cho rằng các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 còn trái với quy định của Bộ Công thương tại Thông tư ngày 6/3/2020 rằng: Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m. Thực tiễn tại xã Thuận Hà cho thấy, nhiều vị trí trụ điện gió được chủ đầu tư xây dựng chỉ cách nhà dân có vài chục mét, việc này lại càng ảnh hướng đến đời sống sinh hoạt của bà con. 

Theo người dân, từ nhiều tháng trước chủ đầu tư đã kéo máy móc vào đào núi, bạt đồi để xây dựng trụ điện gió. Đến nay, nhiều đoạn đường trong vùng đã được khơi thông, rải đá cấp phối hoặc láng nhựa để xe tải trọng lớn vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng điện gió ra vào.

dự án điện gió

Bà con ngăn cản dự án thi công, yêu cầu chủ đầu tư dự án điện gió thực hiện đúng pháp luật

Ở nhiều vị trí trước đây vốn là ruộng vườn của người dân bây giờ đã bị doanh nghiệp dùng máy san ủi, đào bới và đóng các ống bê tông cốt thép loại lớn sâu xuống lòng đất hàng mấy chục mét để làm móng trụ cho tuabin điện gió. 

Trước những bất cập kể trên, người dân đã vài lần phản đối dự án, ngăn cản chủ đầu tư đưa máy móc, thiết bị vào khu vực thực hiện dự án. Những vụ việc tụ tập đông người như thế này làm xáo trộn an ninh trật tự khu vực. 

Những bất cập tại dự án và việc dân "tố" dự án làm trái Thông tư của Bộ Công thương

Được biết, Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung thi công ba dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2 và Đắk N’Drung 3 (tổng công suất 300 MW, vốn đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỉ đồng). 

Chỉ trong một ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc gồm Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 tương ứng với các chủ đầu tư Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung 1,2,3 với tổng mức vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang.

Trong quá trình thi công, doanh nghiệp này đã bị người dân địa phương nhiều lần phản đối và đòi đền bù thỏa đáng. 

Thêm nữa, Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công thương về vấn đề quản lý sử dụng đất trong các dự án điện gió quy định rõ ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống… nhưng thực tế diễn ra ở Đắk Song với các dự án của ông Đỗ Lê Quân lại không phải như vậy.

Với riêng xã Thuận Hà, sau mấy mươi năm khai phá, đến nay, đây có thể xem là vùng đất trù phú bậc nhất huyện Đắk Song. Bên các xã Thuận Hạnh, đặc biệt là Nâm N’Jang cũng vậy, đều là những nơi từ lâu nổi tiếng với rất nhiều đại gia giàu có từ sản xuất nông nghiệp, trồng tiêu, cà phê… Đó đều không phải là những vùng đấtđất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống như Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công thương nêu rằng ưu tiên phát triển công trình điện gió. 

dự án điện gió

Một số người dân bức xúc trước hành động của CĐT

Trong khí đó, nhìn lại toàn cảnh Đắk Song, thì đã có 6 dự án điện gió ở Đắk Song với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc có khoảng gần 300 ha đất, trong đó chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp ở Đắk Song phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án năng lượng.

Như vậy, với tổng diện tích "đồ sộ" dành cho dự án điện gió, và khu vực xây dựng 3 dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 tại vùng đất màu mỡ và trù phú, liệu có phù hợp hay không? 

Chưa kể đến chuyện theo Tuổi Trẻ, Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Song còn cho rằng chủ đầu tư dự án đã thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết. Dù đã triển khai từ đầu tháng 3/2021 nhưng các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cũng chưa được hoàn thành.

"Dù đã thi công rầm rộ từ đầu tháng 3-2021 nhưng đến nay các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cũng chưa được hoàn thành. Ngoài ra, người dân cũng dẫn thông tư 02 ngày 15-1-2019 của Bộ Công thương quy định khoảng cách từ tuabin đến khu dân cư là 300m để phản đối việc thi công. Chính địa phương cũng rối, phải gửi văn bản tới các bộ ngành để được hướng dẫn", vị này nói. 

Theo Lao Động, UBND huyện Đắk Song cho biết, đang có đến hơn 500 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 300m của 78 cột điện gió. UBND huyện đang chờ hướng dẫn của tỉnh để có hướng xử lý các vấn đề liên quan tới vấn đề này.

Về chuyện dân "tố" Chủ đầu tư dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 làm trái Thông tư của Bộ Công thương, có thể thấy còn quá nhiều bất cập. Người dân muốn được làm rõ vấn đề, thứ nhất, vì họ cho rằng đã bị lừa dối khi bán đất để trồng cây dược liệu, nhưng cuối cùng chủ đầu tư lại làm dự án điện gió, dự án làm ảnh hưởng đến môi trường sống, xáo trộn sinh hoạt và không bồi thường thỏa đáng cho người dân. Người dân cần được bồi thường thỏa đáng và có chính sách bảo đảm môi trường sống cho mình, nhưng ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm 2 việc này? 
 
Thứ hai, dự án thực hiện không đúng khoảng cách, việc này sẽ được điều chỉnh ra sao, bao giờ thực hiện? Và ai sẽ bồi thường cho những gia đình nằm trong phạm vi 300m bị xâm phạm và đảo lộn cuộc sống trong quá trình thực hiện dự án? 
 
Thứ ba, đây không phải vùng đất kém màu mỡ để được ưu tiên phát triển dự án điện gió theo như những gì Thông tư của Bộ Công thương đã nêu rõ. Vậy tại sao chỉ trong 1 ngày cả 3 dự án UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án này? Lý do thỏa đáng cho việc phát triển cả 3 dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 này trên mảnh đất trù phú sản xuất nông nghiệp, trồng tiêu, cà phê,... này là gì? Hãy trả lời cho bà con!
 
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, giải đáp các thắc mắc, bức xúc của người dân, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ông Lê Trọng Yên đã chủ trì cuộc đối thoại giữa các bên ngay tại trụ sở UBND huyện Đăk Song. Diễn biến cuộc đối thoại thế nào, tôi sẽ cập nhật tiếp trên các phương tiện và thông tin lại toàn bộ trên MXH này!

Theo tư liệu từ Nông Nghiệp/Tuổi Trẻ/Lao Động