Lan Anh ·
3 năm trước
 4140

Người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2015/UBND-ĐT về tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Theo đó, hàng loạt các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí đã được đề ra như: Xây dựng mạng lưới quan trắc, xử lý nghiêm hành vi đốt chất thải, phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường…

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. UBND thành phố cũng đã có các văn bản chỉ đạo các sở, ngành thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03-CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí; ý kiến của Bộ TN&MT và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí được UBND thành phố giao tại các văn bản. Vì vậy, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các văn bản nêu trên, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

ô nhiễm môi trường

Về việc xây dựng mạng lưới quan trắc, UBND thành phố giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị hoàn thiện các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; tiếp tục rà soát, báo cáo đề xuất đối với các dự án nằm trong quy hoạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Để tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, triển khai các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố theo nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị của Bộ TN&MT.

Đồng thời, Sở TN&MT, Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và UBND thành phố về việc tăng cường biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Trước đó, Bộ TN&MT cũng đã có công văn về việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Theo đó, quy trình lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh cần được xác định theo các bước như sau: Đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí và công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; xác định mục tiêu quản lý chất lượng môi trường không khí; xác định, phân tích chi phí - hiệu quả, đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí được ưu tiên thực hiện; đề xuất các nội dung và lộ trình thực hiện của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; tham vấn dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.

Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí có thể được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố và kết quả đánh giá thực hiện kế hoạch cũng như các quy định pháp lý có liên quan để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc điều chỉnh (nếu cần) hay tiếp tục thực hiện các nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí do UBND tỉnh, thành phố quyết định.

"Cần tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc không khí, từ đó, sớm xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Giải quyết ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là TP.Hà Nội và TP.HCM, để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân", Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Nguồn